Không chủ quan với tốc độ tăng trưởng cao

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:15 - Chia sẻ
“Không chủ quan”, "không thỏa mãn" là cụm từ được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 15.1. Bởi lẽ, dù năm 2020 Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao so với nhiều nước (2,91%) song chất lượng tăng trưởng chưa thay đổi căn bản…

Chưa thực sự thay đổi về chất

Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương nhìn nhận, năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những đợt bùng phát dịch ít nhiều làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh song kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng.

Điểm nổi bật là Việt Nam “tránh được tăng trưởng âm”. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài ít nhiều được thể hiện. Lạm phát cơ bản tăng trên 2%, là mức chấp nhận được trong bối cảnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tỷ giá nhìn chung ổn định.

Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: Đan Thanh

Tuy vậy, theo đại diện CIEM, mặc dù Việt Nam tăng trưởng cao hơn các nước châu Á nhưng mức suy giảm rất nhanh trong quý I và II “vẫn đáng lo ngại”. Chưa kể, việc tăng trưởng nhanh hơn trong quý III và IV cũng đặt ra bài toán liệu có duy trì được đà tăng trưởng này trong năm 2021?

Thừa nhận tăng trưởng 2,91% là một thành công trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi không đều, thậm chí có những nước tăng trưởng âm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng không nên quá tập trung vào con số này mà cần phân tích kỹ chất lượng tăng trưởng. Ông chỉ rõ, về cơ bản, cấu trúc kinh tế, năng lực cạnh tranh “chưa có gì để nói có thay đổi căn bản về chất”. Điểm yếu nhất của Việt Nam vẫn là tham gia thấp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, "không thể chủ quan nghĩ là chúng ta đã ở trong nhóm cao nhất rồi để không tiếp tục xem xét khiếm khuyết, hạn chế nhằm tiếp tục cải cách", ông Tuấn nhấn mạnh.

Rà soát các trụ cột tăng trưởng

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, các chuyên gia của CIEM cho rằng còn có một số rủi ro. Đó là khả năng tiếp cận vaccine Covid-19; phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác; xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước châu Á; gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, đại diện CIEM nêu 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 5,98%; lạm phát bình quân 3,51%; tăng trưởng xuất khẩu 4,23%; cán cân thương mại 5,49 tỷ USD. Kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP là 6,46%; lạm phát bình quân 3,78%; tăng trưởng xuất khẩu 5,06% và cán cân thương mại là 7,24 tỷ USD.

Kịch bản thứ nhất được cho là có nhiều cơ hội đạt được, còn kịch bản thứ hai đòi hỏi nỗ lực cao hơn. Và dự báo tăng trưởng trong cả 2 kịch bản đều khá dè dặt so với các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8%; Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021 - 2025… 

Để đạt được mức tăng trưởng theo kế hoạch, theo các chuyên gia, trước tiên cần tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch Covid-19 và có biện pháp phù hợp phòng chống dịch. Cải cách kinh tế hậu Covid-19 phải là một phần của kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tái cơ cấu kinh tế gắn hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI; phát triển hạ tầng kỹ thuật số và hạ tầng cứng…

Điều không thể thiếu là cần thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập, không chỉ chủ động thực hiện cam kết trong các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà còn phải đóng góp xây dựng luật chơi chung; hợp tác các nước cùng chí hướng như Nhật Bản, Canada, Australia… Đồng thời, phải phát triển bền vững, không tách rời khỏi hội nhập kinh tế quốc tế bởi nhiều sáng kiến phát triển bền vững cũng có sự cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường. “Đừng nhìn nhận quy định phát triển bền vững là gây khó, tăng chi phí cho doanh nghiệp mà là giúp cải thiện hình ảnh, phân khúc sản phẩm của doanh nghiệp”, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đề xuất.

“Thành tựu đạt được trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam rất đáng ghi nhận song không thể vì thế mà chủ quan thỏa mãn, nếu có tư tưởng đó sẽ phải trả giá!”, nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá nhấn mạnh. Theo ông, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, quan trọng nhất, căn cơ nhất, cả trước mắt và lâu dài phải tiếp tục đổi mới thể chế, trong đó có thể chế kinh tế. Tức là phải cải cách về luật lệ chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn; cải cách bộ máy quản lý sao cho tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; có môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch.

Việc thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao, “xây tổ đón đại bàng” rất cần thiết song ông Bá cho rằng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, hình thành những “đại bàng” của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục mở rộng, duy trì thị trường truyền thống cũng như mở rộng thị trường mới; phải chú trọng tới nông nghiệp vốn phát huy vai trò bệ đỡ đối với nền kinh tế.

Thừa nhận năm 2021 còn đầy rẫy rủi ro, khó đoán định, Viện trưởng Bùi Quang Tuấn cho rằng, phải rà soát lại các trụ cột giúp chúng ta thành công trong năm 2020 xem yếu tố nào đóng vai trò quyết định, liệu có tiếp tục phát huy trong năm 2021, nếu có cần duy trì, đẩy mạnh thêm. “Chỉ trong hoàn cảnh của dịch bệnh, khủng hoảng mới thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ kiểm soát dịch bệnh đến cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính… Đây là yếu tố quan trọng, cần đẩy mạnh trong giai đoạn tới”, ông nói.

Mặt khác, Việt Nam có nhiều cơ hội về chuyển đổi số. Tuy vậy, cần có giải pháp cụ thể, bởi chuyển đổi số hiện nay mới chỉ mang tính chất kêu gọi, khơi gợi, chỉ có 2% startup sống sót. Ông Tuấn đề xuất phải có giải pháp cụ thể, chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vào lĩnh vực này. Đặc biệt, “do chưa có vaccine nên trong năm 2021 cùng với giải pháp phải đối mặt với khủng hoảng thì cần có giải pháp mang tính chiều sâu ở tầm nhìn 10 năm và lâu hơn, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - tạo trụ cột mới cho cả giai đoạn tới”, ông Tuấn nói.

Đan Thanh