Đề xuất ngân sách cấp 500 tỷ đồng cho Quỹ Phòng chống thiên tai trung ương

Không có căn cứ cả về pháp luật và thực tiễn

- Thứ Hai, 30/11/2020, 06:41 - Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai. Dự thảo quy định, vốn điều lệ của Quỹ Trung ương là 500 tỷ đồng, do ngân sách trung ương cấp và sẽ được bổ sung hàng năm để đạt tổng mức vốn điều lệ. Nhiều ĐBQH cho rằng thành lập Quỹ là cần thiết nhưng không tán thành việc ngân sách cấp 500 tỷ đồng cho Quỹ Trung ương vì thiếu căn cứ cả về pháp luật và thực tiễn.

Hai căn cứ của đề xuất

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (được Quốc hội thông qua tháng 6.2020 và có hiệu lực từ tháng 7.2021) quy định: Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, gồm Quỹ Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) quản lý, Quỹ cấp địa phương do UBND cấp tỉnh quản lý.

Theo đó, Bộ NN - PTNT vừa công bố dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, trong đó quy định: “Vốn điều lệ của Quỹ trung ương là 500 tỷ đồng do ngân sách trung ương cấp và được cấp đủ trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Quỹ được thành lập. Quỹ được cấp vốn bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ”. 

Nguồn: ITN

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, có 2 căn cứ để ban soạn thảo đưa ra quy định này. Về căn cứ pháp lý, Khoản 3, Điều 12 của Nghị định 163/2016/NĐ-CP về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách quy định: Căn cứ khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước khi đáp ứng đủ các điều kiện: Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Căn cứ thực tiễn chính là tính cấp thiết của Quỹ. Quỹ phải hoạt động ngay để đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là thiên tai xảy ra nghiêm trọng như thời gian qua. Muốn vậy, Quỹ phải có vốn điều lệ để làm nền tảng, đồng thời là động lực khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp. 

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, khi thiên tai, bão lũ xảy ra, Quỹ này sẽ là nguồn lực tức thời để ứng phó, khắc phục hậu quả. Ông nhấn mạnh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị và mọi công dân, mà trước hết là trách nhiệm của Nhà nước. Tương tự, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc thành lập Quỹ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nước ta thiên tai xảy ra hàng năm và biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp.

“Luật không quy định thì không thể làm”

Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn về việc dự thảo Nghị định quy định 500 tỷ đồng vốn điều lệ của Quỹ Trung ương sẽ do ngân sách trung ương cấp.

ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích: Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ này. Trường hợp được ngân sách hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách và chỉ thực hiện khi đáp ứng các điều kiện theo quy định và mức hỗ trợ cũng rất ít. “Nếu nguồn ngân sách đưa vào lớn sẽ gọi là quỹ tài chính của Nhà nước, chứ đâu còn gọi là quỹ tài chính ngoài nhà nước nữa”, ông Hòa nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, Luật Phòng chống thiên tai cho phép thành lập Quỹ, đồng thời quy định rõ: Nguồn tài chính của Quỹ Trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng và các nguồn hợp pháp khác. “Luật không quy định ngân sách nhà nước đầu tư cho Quỹ Phòng, chống thiên tai có nghĩa là không có căn cứ nào để nói Nhà nước phải bỏ ngân sách vào quỹ này”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, cuộc giám sát việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 cho thấy hầu như vốn của các quỹ này đều do ngân sách cấp. “Vốn nằm ở đó, rồi sinh ra một bộ máy cồng kềnh để quản lý quỹ. Có nơi lấy tiền đó gửi ngân hàng, hoặc gửi vào các chỗ đầu tư để sinh lời. Phần sinh lời ấy lại để chi vận hành cho bộ máy. Có thể thấy hoạt động của quỹ không hiệu quả, làm ứ đọng nguồn vốn ngân sách, trong khi ngân sách đang rất hạn hẹp”.

Sau giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ phải xem xét lại việc thành lập các quỹ; trong quá trình ban hành luật cần cân nhắc đưa điều kiện thành lập quỹ và nguồn hình thành quỹ như thế nào. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều bổ sung quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai nhưng hoàn toàn không quy định dùng ngân sách để hình thành Quỹ.  

Chỉ nên huy động xã hội hóa

Nếu không được ngân sách cấp vốn thì Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương sẽ huy động nguồn lực tài chính như thế nào?

ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, bộ máy quản lý Quỹ phải huy động nguồn tài trợ; tìm kiếm sự đóng góp tự nguyện từ các cá nhân, tổ chức; thậm chí phải có cơ chế huy động nguồn vốn cho Quỹ. “Gọi là quỹ nghĩa là có khả năng đầu tư, kinh doanh để làm cho quỹ ngày càng tăng lên. Chẳng hạn có thể phát triển các dạng bảo hiểm phòng chống thiên tai bán cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh. Tiền thu được đưa vào Quỹ để kinh doanh đầu tư, hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, đồng thời hỗ trợ cho chính người đóng bảo hiểm”.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vì vậy chắc chắn phải huy động sự đóng góp của xã hội, huy động nguồn lực xã hội hóa, hạn chế tối đa từ ngân sách cấp bù.

“Cách thức quản lý cũng rất quan trọng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Trọng Hồng góp ý. Theo ông Hồng, điều phối Quỹ phải tránh tình trạng tỉnh này được nhiều, tỉnh kia được ít. Để hoạt động của Quỹ minh bạch, hiệu quả, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, Quốc hội, Bộ Tài chính phải tăng cường giám sát, thậm chí Quỹ phải đặt dưới sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng. Quỹ phải có báo cáo tài chính hàng tháng, hàng quý, hàng năm chính xác để biết số tiền sử dụng như thế nào, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế bổ sung.

Tuệ Anh - Hạnh Nhung