Không có chuyện thủy điện nhỏ cộng hưởng gây lũ lụt miền Trung?!

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:28 - Chia sẻ
Đây là nhận định của các chuyên gia tại cuộc sinh hoạt chuyên đề “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do Báo Viettimes và Câu lạc bộ Cafe Số tổ chức sáng 30.10.

“Lợi dụng thủy điện phá rừng là vấn đề của kiểm lâm”

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xác nhận, làm thủy điện là phải phá một phần rừng trong lòng hồ và khu vực vận hành, đường sá. Tuy vậy, diện tích rừng bị phá phục vụ vận hành nhà máy thủy điện nhỏ hơn rất nhiều phần rừng bị phá trong lòng hồ. Đặc biệt, phần nước do thủy điện lưu giữ trong lòng hồ lớn hơn rất nhiều so với lượng nước chứa trong phần rừng bị phá.

Theo các chuyên gia, không có chuyện thủy điện nhỏ xả lũ cộng hưởng gây lũ lụt tại miền Trung.
Nguồn VOV

“Nhiều người nói thủy điện phá rừng. Đúng là thủy điện chặn một đoạn sông cho nước dâng lên, như vậy trong lòng hồ có một phần diện tích sông và một phần diện tích rừng bị phá. Phần xây dựng nhà vận hành, đập, các công trình khác phục vụ phát điện nhỏ hơn rất nhiều diện tích lòng hồ. Thực tế, có một số thủy điện lợi dụng để phá rừng lấy gỗ nhưng chủ yếu là phá theo lòng hồ vì gỗ ở đó có giá trị chứ không phá rừng bên trên. Nếu có chuyện thủy điện lợi dụng để phá rừng không trong quy hoạch thì đó là vấn đề của kiểm lâm chứ không phải của thủy điện”, ông Ca nói.

Liên quan đến việc phá rừng làm thủy điện nhỏ liệu có làm tăng nguy cơ lũ lụt như những nghi vấn đặt ra trong đợt lũ lịch sử tại miền Trung gần đây, PGS.TS Vũ Thanh Ca khẳng định không đúng.

Để chứng minh, vị chuyên gia này đưa ra lập luận: Rừng nguyên sinh có thể giữ được nước trên lá cây, cành và thân cây. Rừng nhiều tầng với cỏ dưới đất có khả năng cản trở dòng chảy, tạo điều kiện cho nước ngấm xuống đất và giảm dòng chảy mặt gây lũ. Tuy vậy, lượng nước được rừng giữ lại không quá lớn, tùy từng khu vực và tối đa đạt 0,2m, trong khi đó mặt hồ thủy điện nhỏ có thể tích được 4m nước, gấp tới 20 lần. Do đó, nói lũ lụt ở miền Trung do thủy điện xả lũ cộng hưởng là “rất buồn cười”.

Trích dẫn tài liệu của Hiệp hội quốc tế các tổ chức nghiên cứu rừng, ông Vũ Thanh Ca cho biết, rừng có khả năng giảm lũ và điều tiết lũ nhỏ, mưa cục bộ nhưng không có khả năng tác động tới lũ cực đoan, trên diện rộng như ở các tỉnh miền Trung vừa qua.

Thêm nữa, theo vị chuyên gia này, nước trong hồ cũng là tài nguyên nên nói thủy điện xả lũ lớn hơn lượng nước đổ về là không đúng. “Khi lũ về, hồ bắt đầu nhận nước. Lượng nước trong hồ vượt mức nào đó thì hồ bắt đầu xả bằng lưu lượng nước về hồ. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nếu thanh tra (việc xả lũ) mà tìm ra lỗi thì thiệt hại cho nhà đầu tư cực lớn, do đó không có lý do gì để hồ phải xả lớn hơn mực nước về, nếu không sẽ thiệt đơn thiệt kép”, ông Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.

Chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn bổ sung, thực tế, phát triển thủy điện không hề làm giảm diện tích rừng. Theo đó, nếu như năm 1995 ghi nhận tỷ lệ che phủ rừng thấp nhất là 28,2% thì đến năm 2019 nâng lên gần 42%. Năm 1999, rừng tự nhiên của cả nước chỉ có hơn 9 triệu hecta nhưng 20 năm sau tăng lên 10,29 triệu hecta, dù thủy điện lớn đã hoàn thành hết từ năm 2014. Có được điều này một phần nhờ kinh phí từ thủy điện đóng góp cho dịch vụ môi trường rừng, qua đó giúp người dân có tiền chăm sóc, khoanh nuôi rừng, rừng tự nhiên được giữ và phục hồi.

Trong đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua, thủy điện nhỏ cũng đã góp phần cắt đỉnh lũ tự nhiên. Ví dụ, tại Quảng Trị cắt 296m3/s (tương ứng 21%); Hương Điền cắt 2.052m3/s (45%); Sông Bung 4 cắt 1.027m3/s (42,7%); Đăk Mi 4 cắt 2.353,5m3/s (74.7%)…

Nên công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường

Theo các chuyên gia, thủy điện được coi là một dạng năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo, không có chất thải rắn, phóng xạ và theo quan điểm kinh tế môi trường ít tác động ngoại ứng. Cánh quạt thủy điện mặc dù cuốn và giết chết nhiều cá tôm song hồ thủy điện cũng tạo ra môi trường thủy sinh mới.

Trước thông tin cho rằng 1MW thủy điện chiếm khoảng 30ha rừng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân phủ nhận và cho biết, qua điều tra thực tế đối với từng dự án, con số này chỉ vào khoảng 1,9ha. Ông Quân khẳng định, do liên quan đến việc chuyển đổi về đất đai, từ đất rừng, đất thổ cư, đất trồng lúa nên việc điều tra được tiến hành kỹ lưỡng. "Nếu sai thì sau này bản thân nhà đầu tư và tỉnh sẽ rất mệt mỏi để giải trình”.

Cũng theo ông Quân, hầu như không có chuyện nhà đầu tư hay nhà thầu lợi dụng thủy điện phá rừng mà chủ yếu do người dân thiếu ý thức lợi dụng để phá rừng.

Ông Nguyễn Tài Sơn cho biết, thống kê cho thấy năng lượng từ thủy điện trên toàn cầu đã tăng từ 286.000GW năm 1995 lên mức 386.000GW hiện nay. Như vậy, nhu cầu về thủy điện vẫn có.

Riêng tại Mỹ, thống kê cho thấy nước này đứng thứ 2 thế giới về thủy điện. Tại Na Uy, thủy điện đóng góp 99% trong tổng điện năng, còn tại New Zealand là 75%. Tại Việt Nam, thủy điện hiện chiếm khoảng 41% tổng năng lượng và vẫn còn tiềm năng, do đó cần cân nhắc, xem xét để phát triển nguồn năng lượng này.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Đỗ Đức Quân cho biết, hiện cả nước có khoảng 800 dự án thủy điện và không phải không tiếp tục làm thủy điện nhỏ nữa. Thực tế, Bộ đã chủ động dừng các dự án thủy điện từ 3MW trở xuống. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp các địa phương có chương trình rà soát, đánh giá lại các dự án trên địa bàn từng địa phương để có kế hoạch về sau. Như vậy, những dự án có hiệu quả sẽ vẫn tiếp tục được triển khai.

Các chuyên gia khuyến cáo, do hồ chứa có tác động tới môi trường, làm thay đổi dòng chảy nên cần phải hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện. Cần phải lập, thẩm định và phê duyệt một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại. Cần công khai báo cáo này và lấy ý kiến rộng rãi, trong đó cần có ý kiến của các nhà chuyên môn.

Các đập thủy điện cần thiết kế và xây dựng các “thang cá” (là những bậc thang có nước chảy liên tục từ đỉnh đập tới chân đập để bảo đảm cá có thể di cư ngược dòng và vượt qua đập). Các đập thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ cần có cửa xả đáy để bảo đảm thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn; phải quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để bảo đảm dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Thường xuyên quan trắc môi trường trong lòng hồ để bảo đảm quản lý được chất lượng nước hồ; nghiên cứu kỹ và tái định cư người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.

Đan Thanh