Không để căng thẳng thành xung đột

- Thứ Năm, 18/11/2021, 05:09 - Chia sẻ
Đó chính là cam kết mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo hôm 16.11, mặc dù cả hai đều có những quan điểm khác biệt.

Gặp được nhau đã là tiến triển

Theo The Diplomat, cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài 3 giờ sau cuộc gặp trực tiếp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Zurich vào đầu tháng 10. Lúc đó, cả ông Sullivan lẫn ông Dương Khiết Trì đều cố gắng xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ song phương, đồng thời cam kết sẽ hiện thực hóa một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình. Hôm 16.11, ông Sullivan phát biểu, một cuộc gặp mặt trực tiếp, thậm chí là một cuộc gặp gỡ ảo, “về cơ bản khác với các cuộc điện đàm”, vì đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa và là bước tiến triển so với thảo luận qua điện thoại.

Trong cuộc gặp mới đây, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có từ thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama, khi cả hai vẫn đều là cấp phó. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi người đồng cấp Mỹ là “bạn cũ” của mình.

Tuy nhiên, không khí đầm ấm, thân thiện đó không có nghĩa là cuộc trò chuyện giữa hai người hoàn toàn không có gai góc. Theo thông tin của Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã đề cập đến tất cả các vấn đề chính như: các mối quan tâm về nhân quyền, bao gồm ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong; “các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng của Trung Quốc”; và “tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không an toàn”. Cuộc trò chuyện giữa hai lãnh đạo đã dành nhiều thời gian cho vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), “một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của cả hai nhà lãnh đạo đối với tương lai của Đài Loan”.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh, Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc theo hướng “tôn trọng lẫn nhau”. “Hai nước cần tôn trọng các hệ thống xã hội và con đường phát triển của nhau, tôn trọng các lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính, cũng như tôn trọng quyền phát triển của nhau. Cả hai cần phải đối xử bình đẳng…”, thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn giải lời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Người đứng đầu đất nước Vạn Lý Trường Thành khẳng định rõ, “Trung Quốc chắc chắn sẽ bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình”, khi đề cập cụ thể về Đài Loan. Ông đồng thời cảnh báo, cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đối với Đài Loan là “cực kỳ nguy hiểm”, và Trung Quốc sẽ “buộc phải thực hiện các biện pháp kiên quyết” nếu “các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan khiêu khích chúng tôi”. Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn mềm mỏng cho biết, “chúng tôi kiên nhẫn và sẽ cố gắng hướng tới viễn cảnh thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất”.

Ngoài ra Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cập đến điều mà ông cho là Mỹ “phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp các doanh nghiệp Trung Quốc”, và phản đối những chỉ trích của Washington về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, mặc dù vậy thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao không đề cập cụ thể đến Tân Cương hoặc Hong Kong, sự khác biệt so với một số cuộc trò chuyện trước đó.

Nguồn: ITN

Tìm cách hợp tác và giao tiếp

Tuy nhiên, lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới đều thể hiện rõ hy vọng sẽ giữ căng thẳng ở mức có thể kiểm soát được.

“Trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là bảo đảm rằng, sự cạnh tranh giữa hai quốc gia không trở thành xung đột, cho dù có chủ đích hay ngoài ý muốn. Đó chỉ là sự cạnh tranh đơn giản, dễ hiểu”, Tổng thống Biden phát biểu khai mạc như vậy.

“Các lan can bảo vệ chung” dường như là câu thần chú mới của chính quyền Mỹ để quản lý nguy cơ xung đột với Trung Quốc, vì cụm từ này đã được cả Tổng thống Biden lẫn ông Sullivan lặp lại. Chính xác thì những lan can đó là gì vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông Sullivan nhấn mạnh “không có gì thay thế được cuộc gặp trực tiếp của các nhà lãnh đạo để ngăn chặn thông tin sai lệch”.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Mối quan hệ Trung - Mỹ vững chắc và ổn định là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển tương ứng của hai nước và để bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình và ổn định”. Ông nói thêm, “không có xung đột và không đối đầu là ranh giới mà cả hai bên phải giữ gìn”.

Vì vậy, cả hai đều tỏ ra cởi mở trong việc hợp tác tại các lĩnh vực như biến đổi khí hậu hay sức khỏe cộng đồng, cùng với việc tiếp tục đối thoại về nhiều vấn đề khác. Cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy ý tưởng phục hồi “các kênh và cơ chế đối thoại” đã không tồn tại từ lâu bao gồm các vấn đề ngoại giao, an ninh, kinh tế, tài chính và khí hậu. Trung Quốc và Mỹ từng tổ chức nhiều cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên, dưới các tên gọi và hình thức khác nhau, bắt đầu từ thời chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, nhưng chúng đã bị trật bánh dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump.

Bản thân Mỹ cũng bày tỏ quan tâm đến việc tái khởi động đối thoại cấp cao. Theo ông Sullivan, mối quan hệ Trung - Mỹ “cần được hướng dẫn bởi sự tương tác nhất quán và thường xuyên giữa lãnh đạo với lãnh đạo”, và những tương tác cấp cao nhất đó sẽ “dẫn đến một loạt nhiệm vụ cho những người đối thoại cấp cao và được trao quyền khác ở cả hai bên, những người có thể tham gia không chỉ vì lợi ích của các cuộc đối thoại mà còn về các vấn đề thực tế, hữu hình…”.

Trong khi mối quan hệ tổng thể vẫn còn băng giá, Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình là dấu hiệu thứ hai trong nhiều tuần cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách hợp tác và giao tiếp. Tuần trước, hai nước đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, một bất ngờ đáng hoan nghênh bên lề Hội nghị COP26. Cả hai nhà lãnh đạo đều hoan nghênh tuyên bố về biến đổi khí hậu, đồng thời Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác thêm về khủng hoảng khí hậu.

Theo cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề khu vực bao gồm Afghanistan, Iran và Triều Tiên. Ngoài ra, ông Sullivan cho biết thêm, cả hai đều đã giao nhiệm vụ cho các nhóm phối hợp “khẩn trương” về các vấn đề cung cấp và định giá năng lượng toàn cầu…

Linh Anh