Không để chìm xuồng

- Thứ Năm, 25/02/2021, 06:23 - Chia sẻ
UBND TP Hà Nội vừa giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Sở Nội vụ và Thanh tra TP Hà Nội thực hiện kiến nghị được Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận thanh tra theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), về một số nội dung liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Trên cơ sở báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, UBND TP Hà Nội giao Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến trách nhiệm của đơn vị này; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố, Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ. 

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Nội vụ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét nội dung mà Thanh tra Chính phủ đã nêu ra. Trong đó, Thanh tra TP Hà Nội được giao xác minh, làm rõ hành vi, dấu hiệu trù dập đối với ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và đề xuất hình thức xử lý theo quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh thừa nhận đã xếp ông Lương Xuân Bình vào diện dôi dư với ý định áp dụng quy định về giảm biên chế để loại ông Bình ra khỏi biên chế làm việc. Cơ quan thanh tra nhận thấy đây là hành vi có dấu hiệu trù dập diễn ra sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và trách nhiệm của Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư). Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chấm dứt, không được phép có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công đối với ông Lương Xuân Bình.

Được biết, vào tháng 11.2020, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, về một số nội dung liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ xác định, việc điều chỉnh hợp đồng tư vấn trọn gói tăng thêm hơn 6,5 triệu Euro có những chi phí trong nhiệm vụ, ngoài nhiệm vụ và do bất khả kháng nhưng khi lập điều chỉnh, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh bổ sung, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này. Thanh tra Chính phủ kết luận trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, các đơn vị trực thuộc và tập thể, cá nhân có liên quan. Các Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư để xảy ra việc chậm trễ kéo dài trong quá trình thực hiện các công việc của dự án, dẫn đến tăng chi phí.

Tháng 12.2020, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc thực hiện kiến nghị kết luận thanh tra và bảo vệ người tố cáo sai phạm tại Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Văn bản trên được gửi sau khi cơ quan này công bố kết luận thanh tra các nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối tháng 11.2020. 

Hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ người tố cáo đã đầy đủ, trong đó có thể kể đến Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10.1.2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.

Liệu những quy định này có phát huy được hiệu quả của nó, nhất là khi còn có nhiều người lựa chọn “im lặng” hơn là “lên tiếng”? Những người lên tiếng tố cáo tham nhũng, sai phạm rất cần sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, người dân trong việc giám sát việc thực hiện; cũng như công khai việc thực hiện các kết luận, quyết định liên quan.

Phạm Hải