Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025:

Không để dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ

- Thứ Bảy, 11/12/2021, 05:26 - Chia sẻ
Là trục đường huyết mạch của hệ thống giao thông quốc gia và có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cần sớm được hoàn thành. Khẳng định sự cần thiết của dự án này tại phiên họp sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần báo cáo rõ, giải trình thêm về tổng mức đầu tư của dự án, khả năng bố trí vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện dự án, dự kiến tiến độ và thời gian hoàn thành dự án… làm căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần phải rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn 1 của dự án, không để giai đoạn 2 rơi vào tình trạng thay đổi kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư.

Nguy cơ đội vốn, kéo dài thời gian là rất cao

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe. Trên cơ sở so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án, để bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải, hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe (bề rộng mặt đường là 17m), thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (tương tự quy mô giai đoạn phân kỳ phần lớn các dự án giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14).

Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, với quy mô của dự án như Chính phủ đề xuất, nguy cơ “đội vốn” là rất lớn, dự kiến thời gian hoàn thành dự án cũng kéo dài hơn so với kỳ vọng. Chủ trương của Trung ương là đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành dự án, nhưng thực tiễn triển khai các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cho thấy dự kiến thời gian hoàn thành nêu trong Tờ trình của Chính phủ là không khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu thực tế, công tác đền bù giải phóng mặt bằng của hầu như tất cả công trình đầu tư công của Trung ương và địa phương trong thời gian qua cho thấy không thể hoàn tất việc đền bù trong vòng 2 năm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhẩm tính, sẽ phải mất 3 năm để chuẩn bị dự án, 2 - 3 năm để triển khai đầu tư và thêm khoảng 6 năm để thi công. “Trong điều kiện mọi thứ được triển khai rất suôn sẻ thì thời gian dự kiến hoàn thành dự án cũng đến năm 2027, nếu tính độ trễ như thực tiễn triển khai giai đoạn 1 của dự án thì còn có thể kéo dài thêm nữa”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dự báo. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nêu, theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ô tô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m. Do đó, phương án 4 - 6 làn xe với mặt đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp) sẽ làm giảm hiệu quả khai thác của tuyến đường, do tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80km/h. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về khả năng thực hiện dự án, tổng mức đầu tư, dự kiến tiến độ khả thi để cân đối nguồn vốn và rất nhiều điều kiện khác, bảo đảm thực hiện dự án như mục tiêu đề ra.

Dự kiến, tổng diện tích rừng chiếm dụng của dự án bao gồm rừng phòng hộ khoảng 110ha và rừng sản xuất khoảng 1.436ha, theo đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, do dự án mới đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên chưa thể xác định chính xác các thông số để hoàn thiện hồ sơ theo quy định, để bảo đảm tiến độ cho dự án, việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi là phù hợp.

Tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm nghiên cứu định hướng tuyến, nhằm giảm thiểu những tác động của dự án đến môi trường, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hợp lý nhất để làm cơ sở cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, phương án đề xuất phải bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng; đồng thời, không làm phát sinh chi phí đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị, nếu có hồ sơ dự án về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thì nên tách riêng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Ảnh minh họa

Nguồn: ITN 

Dứt khoát không để dự án chậm tiến độ

Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho dự án sẽ cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên hiện nay nội dung này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ cần tính toán kỹ, đề xuất danh mục chi tiết những dự án nào đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc nêu trên và bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình, xây dựng phương án phân bổ vốn hợp lý, ưu tiên các dự án đang triển khai giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, vừa phát huy hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế trong giai đoạn 2022 - 2023, vừa bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và làm rõ phương án bố trí vốn hằng năm và khả năng giải ngân vốn đầu tư để bảo đảm tiến độ cho dự án.

Thực tiễn triển khai giai đoạn 1 của dự án cho thấy, việc thay đổi liên tục kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư khiến tiến độ thực hiện bị kéo dài nhiều năm so với dự kiến. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu, dứt khoát không để giai đoạn 2 của dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ do thay đổi phương thức đấu thầu, thay đổi phương thức đầu tư. Để triển khai dự án đúng tiến độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch, phương thức đầu tư dự án. Đối với phương án giải phóng mặt bằng, rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn trước của dự án và từ các dự án trước, Chính phủ cần có các giải pháp ngay từ bây giờ để điều hành quyết liệt các địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng; có chế tài gắn với trách nhiệm các cấp, địa phương trong tiến độ giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần lường trước tất cả những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án được nêu ra tại phiên họp này, để bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, Bộ xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra, góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thống nhất giữa hồ sơ trình và hồ sơ thẩm tra chính thức. Khi dự án được đưa ra Quốc hội thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường tới, Bộ có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến gửi tới các đại biểu Quốc hội. Sau phiên thảo luận nội dung này tại hội trường, Bộ cũng phải có báo cáo giải trình ngay và phối hợp với cơ quan thẩm tra chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, góp ý vào Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Nhật An