Long An

Không để đứt gãy nguồn cung lương thực, thực phẩm

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 10:28 - Chia sẻ
Ngay sau khi áp dụng Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, chợ truyền thống tạm đóng cửa, không để đứt gãy nguồn cung lương thực, thực phẩm, Long An đã nhanh chóng tìm giải pháp để cung cấp rau, củ, quả cũng như bình ổn giá thị trường nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.

Bình ổn giá gạo

Từ ngày 19.7, Long An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Để hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng hành thực hiện chính sách bình ổn giá thị trường nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia bán gạo giá bình ổn. Đây là hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Người dân mua gạo tại Công ty TNHH Dương Vũ
Người dân mua gạo tại Công ty TNHH Dương Vũ

Theo đó, doanh nghiệp tham gia bán gạo bình ổn đầu tiên là Công ty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa), cung cấp gạo loại 504 5451 vụ mới, với 2 hình thức bán là bán lẻ tại trụ sở UBND xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừahỗ trợ giao hàng đến những điểm bình ổn giá của các địa phương có nhu cầu. Cùng với đó, còn có Công ty Cổ phần Xây lắp - Cơ khí và Lương thực Thực phẩm Long An (phường 5, TP. Tân An), Công ty Lương thực Long An, Công ty Khánh Tâm và Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến cũng tham gia bán gạo giá bình ổn.

Hiện nay, giá các loại gạo mà doanh nghiệp tham gia bán bình ổn bình quân ở mức 9.000 - 9.500 đồng/kg với gạo thường, loại gạo thơm từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, thấp hơn giá trước đây các doanh nghiệp bán ra trên thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với giá bán hiện tại của doanh nghiệp sẽ giúp người dân giảm bớt khó khăn trong thời điểm này.

Ngoài ra, Sở Công thương đang tiếp tục vận động thêm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh tham gia bán gạo bình ổn để san sẻ bớt khó khăn của người dân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc doanh nghiệp thực hiện bán gạo bình ổn giá thời điểm này giúp hạn chế được tình trạng thiếu hụt hàng hóa và tăng giá. Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh gạo cam kết cung cấp gạo bình ổn cho đến khi dịch bệnh được khống chế, cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh sơ chế rau phục vụ tiêu dùng của người dân
Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh sơ chế rau phục vụ tiêu dùng của người dân

Không thiếu nguồn

Ngay sau khi chính quyền tỉnh áp dụng Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, chợ truyền thống tạm đóng cửa, nguồn cung rau, củ, quả giảm khiến một số mặt hàng tăng vọt giá cả. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ, để kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân khi thực hiện giãn cách xã hội, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh như Co.opmart, Bách Hóa Xanh, San Hà, Vinmart, Vinmart+, một số Hợp tác xã có hoạt động kinh doanh tăng lượng cung ứng các mặt hàng lượng thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu người dân.

Để kiểm soát giá cả, Sở Công thương đã làm việc với các đơn vị cung ứng và các đơn vị này đã cam kết giữ giá ổn định. Sở sẽ kiểm tra việc phân phối hàng hóa của các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng đối với các tiểu thương, hộ buôn bán nhỏ, lẻ, Sở đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bất hợp lý để hưởng lợi thì xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật.

Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa Nguyễn Thị Thu Hồng chia sẻ, những ngày qua, đơn vị đã nhanh chóng lập phương án cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như thịt heo, gà, vịt, trứng, rau, củ, quả... Theo đó, cung cấp số điện thoại của cán bộ Phòng, người dân có thể đặt hàng qua điện thoại, tin nhắn. Khi mua hàng, người dân có thể trả tiền mặt hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Đội ngũ giao hàng là lực lượng giáo viên được trưng dụng.

Khi người dân đặt hàng, nhân viên sẽ nhanh chóng soạn hàng, bàn giao cho lực lượng giao hàng và người dân có thể nhận trong vòng 20 - 40 phút, tùy vào khoảng cách xa, gần nơi tập kết. Hình thức giao hàng rất đa dạng gồm giao đến tận nơi cho tổ chức và cá nhân; các vùng cách ly y tế, cơ sở cách ly tập trung, các bếp ăn phục vụ bệnh viện dã chiến. Với hình thức cung ứng này, bình quân mỗi ngày, huyện Thạnh Hóa cung cấp 5 - 6 tấn hàng hóa.

Bên cạnh đó, để kịp thời cung ứng các loại rau, củ, quả phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) đã nâng công suất thu mua và sơ chế lên 300%. Giám đốc Nguyễn Quốc Cường cho biết, bình quân mỗi ngày, hợp tác xã sơ chế 20 tấn rau, củ phục vụ thị trường trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Hợp tác xã cố gắng duy trì, giữ giá bình ổn, hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn.

Theo đại diện Sở Công thương, tuy việc cung ứng có những khó khăn nhất định nhưng ở thời điểm này, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Sở đề nghị các đơn vị cam kết bổ sung liên tục các nguồn hàng cũng như giữ ổn định giá cả hàng hóa. Chỉ tăng giá đối với những chi phí hợp lý phát sinh do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.

Vân Phi