Nhịp cầu

Không để giải ngân chậm

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:50 - Chia sẻ

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn; kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm hơn so với năm trước.

Các huyện, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp vốn đầu tư công cho cấp xã, đặc biệt là vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho cấp xã chủ động bố trí, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, hướng dẫn lập, phê duyệt các danh mục, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; việc triển khai đấu thầu qua mạng còn bất cập, nhất là đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất một số giống cây dược liệu; việc mở, tổ chức chấm thầu ở cấp xã gặp nhiều khó khăn. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý chương trình, dự án ở cấp xã còn hạn chế.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phân cấp đầu tư cho cấp xã thường có quy mô nhỏ, việc đầu tư còn manh mún, dàn trải, chưa thực sự phát huy hiệu quả nguồn vốn, nhất là đầu tư đường đi khu sản xuất. Sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì chương trình và các địa phương có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, đồng bộ, nhất là trong hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan chủ trì. Tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên để tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chủ trì chương trình và các địa phương, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý hoạt động của các chương trình.

Cùng với chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp, tài trợ của các nhà hảo tâm, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của người dân, một vấn đề cần tiếp tục thực hiện là lồng ghép các chương trình, dự án hiệu quả để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn. Việc triển khai các nhiệm vụ kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 phải ngay từ những tháng đầu năm, không để tình trạng giải ngân chậm và dồn về những tháng cuối năm như hiện nay…

Đây cũng chính là những nội dung Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Kon Tum đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện trong báo cáo thẩm tra phục vụ kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh sắp tới.

HẢI LÂM