Không để hình thành "điểm nóng” về môi trường

- Thứ Hai, 26/07/2021, 06:58 - Chia sẻ
Không để hình thành "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường cũng như tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất là một trong những mục tiêu mà lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đặt ra trong thời gian tới.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp
Nguồn: ITN

Lợi dụng dịch bệnh để vi phạm

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm không có dấu hiệu giảm, thậm chí vi phạm diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Đơn cử, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình trạng các công ty, xí nghiệp nhà xưởng, cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về quản lý chất thải và xả thải xảy ra nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2020 (phát hiện 74 vụ, nhiều hơn 6 vụ so với cùng kỳ năm trước). Một số cơ sở tái chế, kinh doanh phế liệu lợi dụng việc thu mua phế liệu có khả năng tái chế, đã thu gom, tập kết chất thải độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Điển  hình, lực  lượng  chức  năng  đã  phát hiện thu giữ hơn 20 tấn chuối được ngâm thuốc bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc tại huyện Trảng Bom; thu giữ hơn 1,5 tấn thịt gà chuyển màu, bốc mùi hôi thối trước khi kịp đưa ra thị trường tại huyện Trảng Bom; thu giữ 750kg thịt heo nghi nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc tại TP. Biên Hòa...

Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị dồn lực tập trung công tác chống dịch, không ít cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, ngày 24.5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 11 công ty vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê bị đình chỉ do xả thải không đạt chuẩn ra môi trường. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính đối với 8 cơ sở doanh nghiệp do có hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường cũng như không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định...

Báo cáo của Cục Cảnh sát tội phạm về môi trường Bộ Công an cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát môi trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện gần 14.000 vụ với 14.203 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Khởi tố, đề nghị khởi tố 140 vụ với 218 bị can; xử phạt, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính gần 12.000 vụ với 12.404 đối tượng.

Ngày 24.5.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10.7.2021 

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền pháp luật

Nói về nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường gia tăng trong thời gian qua, các chuyên gia về môi trường cho rằng, do ý thức về bảo vệ môi trường cũng như ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa tốt. Trong khi đó, chế tài xử phạt các khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường còn nhẹ nên các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận xử phạt, từ đó dẫn đến vi  phạm  pháp  luật  về  môi  trường cứ lặp đi lặp lại. 

Từ thực tế công tác kiểm tra, giám sát, đại diện công an các tỉnh, thành phố cũng cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất rơi vào khó khăn nên để tiết kiệm nhiên liệu, chi phí, một số doanh nghiệp đã chuyển giao chất thải cho đối tượng không có chức năng xử lý, hoặc xử lý nước thải, khí thải chưa đạt quy chuẩn xả ra môi trường. Trong khi đó, công tác đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cũng gặp một số khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật, các quy định có liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Đó là chưa kể, sự phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa có sự thống nhất, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý chưa triệt để.

Khắc phục tình trạng trên, đồng thời không để hình thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết: tới đây lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ có kế hoạch kiểm tra, xác minh các đầu mối, đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật nổi lên trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nhất là xả thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo những vấn đề lớn mang tầm quốc gia như ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước...

Tuy nhiên, để không tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật lĩnh vực môi trường, bên cạnh các giải pháp ngành chức năng đưa ra nêu trên, việc tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Bởi việc có  ý thức, trách nhiệm với cộng đồng sẽ góp phần xây  dựng  tính chủ động trong xây dựng phương án, chiến lược để bảo đảm quy chuẩn nước, rác thải an toàn trước khi xả thải ra môi trường của doanh nghiệp, cơ  sở  sản xuất, kinh  doanh.

Hải Thanh