Theo dòng sự kiện

Không để "lỗi nhịp" vì thiếu vaccine

- Thứ Năm, 17/06/2021, 07:18 - Chia sẻ
Từ đầu tháng 6 đến nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã liên tục tiến hành các cuộc hội đàm, điện đàm trực tuyến với Lãnh đạo Nghị viện các nước và Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó, dành ưu tiên trọng tâm cho việc thúc đẩy việc tiếp cận và chia sẻ công bằng vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác tham quan phòng thí nghiệm nghiên cứu, sản xuất vaccine tại tòa nhà Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, thuộc Học viện Quân y
Ảnh: Lâm Hiển

Là một trong những quốc gia chủ động trong nghiên cứu, thử nghiệm, tiếp cận vaccine phòng Covid-19 từ rất sớm, đến nay, nước ta đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu, thử nghiệm vaccine trong nước. Từ tháng 8.2020, Việt Nam đã chủ động, liên tục tiếp cận đàm phán mua, nhập khẩu vaccine với tất cả các đơn vị sản xuất, tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới. Nhưng ở thời điểm đó, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không được ưu tiên trong cung ứng vaccine vì đã kiểm soát dịch bệnh tốt. Sang đầu năm nay, ngay từ tháng 2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kết luận về chủ trương huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để mua vaccine tiêm phòng miễn phí cho toàn dân. Từ cuối tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chủ trương chi 12,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 để mua vaccine phòng Covid-19. Ngay sau đó, Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid - 19, huy động thêm nguồn lực của xã hội, của Nhân dân tham gia cùng với Nhà nước thực hiện Chiến lược vaccine.

Tuy nhiên, “vấn đề hiện nay là nguồn cung vaccine phòng Covid-19 đang rất khan hiếm. Chúng ta cũng phải thông cảm vì nhiều nước rất giàu, có tiền cũng không mua được chứ không phải chỉ riêng Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại trong phiên họp sáng 15.6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đầu năm đến nay, với ưu thế về vaccine, đã có một số quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã sẵn sàng mở cửa trở lại nhưng nguồn cung vaccine vẫn là vấn đề nóng bỏng với hầu hết các nước trên thế giới.

Ảnh: Lâm Hiển

Tại hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei, Chủ tịch AIPA 42 hôm 9.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, AIPA cần đặt trọng tâm thúc đẩy việc hợp tác giữa các nước trong khu vực và phát huy vai trò của Nghị viện các nước trong khuôn khổ AIPA để thực hiện được chiến lược vaccine ở mỗi nước. Cần đặt vấn đề chia sẻ, tiếp cận công bằng nguồn vaccine và hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine… lên bàn nghị sự của Đại hội đồng AIPA 42 dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới đây. Bởi vấn đề hệ trọng này “đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp và sự hỗ trợ của các cơ quan lập pháp trong bố trí nguồn lực, tạo điều kiện về khuôn khổ pháp lý để thực hiện được Chiến lược vaccine cho từng nước cũng như thúc đẩy quan hệ nội khối ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với khu vực và thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nói với Chủ tịch AIPA 42.

Qua tất cả các cuộc hội đàm, điện đàm song phương với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước trong nửa tháng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Nghị viện đã đạt được sự đồng thuận rất cao về sự cần thiết phải chia sẻ công bằng vaccine phòng Covid-19 và thúc đẩy vai trò của nghị viện để các nước, các nhà sản xuất ưu tiên cho các giải pháp mang tính toàn cầu như chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho những nước có khả năng sản xuất được, từ đó, gia tăng nguồn cung trên toàn cầu.

Cùng với các kênh hợp tác song phương, tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 142 cuối tháng 5 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa IPU và các tổ chức nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế trong ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19; đề nghị IPU kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vaccine tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển, các nước đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 được tiếp cận công bằng, kịp thời với vaccine; đề nghị Tổ chức Y tế thế giới cùng các nước thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh Covid-19… Những kiến nghị của Quốc hội Việt Nam nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của các nghị viện thành viên và đã được cập nhật trong báo cáo kết quả Đại hội đồng IPU-142 để gửi đến Liên Hợp Quốc và các nước thành viên.

Song song với việc tăng cường hợp tác nghị viện song phương và đa phương về chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19, ở trong nước, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm việc với Học viện Quân y - đơn vị đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine NanoCovax. Cuộc làm việc có sự tham dự đông đủ của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và “tư lệnh ngành” y tế, tài chính, quốc phòng, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ… để lắng nghe, bàn giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid - 19. Tại cuộc làm việc này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu chính sách xã hội hóa việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tiêm vaccine phòng Covid-19; nghiên cứu để có thêm nguồn lực từ Nhà nước đối với các đơn vị trong nước đang nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Nếu không có đủ vaccine để tiêm phòng trên diện rộng và tạo được miễn dịch cộng đồng thì nguy cơ “lỗi nhịp” với kinh tế thế giới là hiện hữu. “Lỗi nhịp nhiều hay ít phụ thuộc vào chúng ta... Phải chạy đua thời gian thì mới khắc phục được”, Chủ tịch Quốc hội nói. Với quan điểm rõ ràng như thế, cùng với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, Quốc hội đang làm hết sức mình, vừa phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện để thúc đẩy các giải pháp căn cơ, mang tính toàn cầu vừa khơi dậy sức mạnh nội sinh của đất nước để Việt Nam có thể cùng với thế giới bước nhanh đến mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19.

Quỳnh Chi