Không để mạng xã hội lấy mất nghề

- Thứ Hai, 21/06/2021, 07:57 - Chia sẻ
Khi giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí (tháng 9.2020), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt hiện nay, báo chí muốn tồn tại phải trở lại giá trị gốc, là nơi xác tín nguồn tin; và rằng, nếu không muốn bị mạng xã hội lấy mất nghề, báo chí cần đưa thông tin đầy đủ, nhiều chiều và có tính chuyên sâu.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi, phát triển của báo chí. Sự cạnh tranh thông tin hiện nay không chỉ giữa các cơ quan báo chí với nhau, mà còn giữa các cơ quan báo chí với các loại hình thông tin khác. Hành vi thông tin ra cộng đồng, gây ảnh hưởng nhất định tới xã hội giờ đây không còn là đặc quyền của các cơ quan báo chí. Hàng chục triệu công dân đang hàng ngày thực hiện các quyền Hiến định về tự do ngôn luận, tự do báo chí bằng việc biểu đạt, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, thậm chí “làm báo” theo cách hiểu của riêng mình trên không gian truyền thông xã hội.

Một số trường hợp báo chí chính thống đã tỏ ra bị hụt hơi trong việc định hướng dư luận do không đủ nhanh, đủ mạnh, cách tiếp cận không phù hợp. Và trong nhiều trường hợp mạng xã hội đã lấn lướt báo chí nhờ tốc độ nhanh hơn, diện phủ rộng, cách tiếp cận dễ dàng. Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm chỉ ra xu hướng cơ quan báo chí trá hình, liên kết một chút với cơ quan báo chí để lấy danh, sống chủ yếu trên mạng xã hội, đưa những thông tin ảnh hưởng đến công tác chính trị, tư tưởng, thậm chí cả những vấn đề về an ninh.

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đặt ra yêu cầu khẳng định lại vai trò và giá trị gốc của báo chí lớn hơn bao giờ hết. Quay lại giá trị gốc của báo chí là làm rõ cái gì ở phía sau núi thông tin, định hướng người đọc. Báo chí phải là nơi xác tín nguồn tin, giúp người đọc phân biệt được thật - giả và là diễn đàn để người ta hiểu sâu về một vấn đề, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, thì mới có thể tồn tại và không bị mạng xã hội “lấy mất nghề”.

Để làm được như thế, các tòa soạn phải nắm bắt xu thế, khai thác tối đa nền tảng để phát triển; coi mạng xã hội như một đối tượng để cạnh tranh về thông tin, nhưng đồng thời lại phải tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả nội dung, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tích cực trên mạng xã hội và trên môi trường internet nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt. Các nhà báo cần đầu tư nhiều trí tuệ hơn cho các tác phẩm báo chí của mình, thay vì chạy theo thông tin, bị chi phối bởi các quy luật câu view…

Về lâu dài, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các chủ thể mới trong chuỗi giá trị về thông tin, truyền thông này cần được nhìn nhận, công nhận trong những hành lang pháp lý mới, để bảo đảm vừa quản lý tốt, vừa tôn trọng các quyền cơ bản của cá nhân, tổ chức trong việc cùng tham gia không gian truyền thông mới, thực hiện chức năng phản biện xã hội, giám sát và đóng góp ý kiến cho công tác hoạch định chính sách, quản lý, lãnh đạo xã hội của Đảng và Nhà nước.

Anh Minh