Thành phố Hà Nội

Không để người yếu thế "lọt lưới" an sinh

- Thứ Tư, 22/09/2021, 06:11 - Chia sẻ
Hà Nội vừa kết thúc đợt giãn cách xã hội lần thứ 4 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời gian qua, với phương châm không để người dân "lọt lưới" an sinh, công tác hỗ trợ của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân trên địa bàn thành phố đã góp phần giúp nhiều người yếu thế, người lao động... vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.
Các đối tượng chính sách xã hội ký nhận tiền

Nhiều đối tượng khó khăn cần được hỗ trợ

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố hiện quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 5.657 đối tượng, bao gồm: người có công và thân nhân, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; người cai nghiện ma túy và các đối tượng bảo trợ xã hội; có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với trên 120.000 học sinh, sinh viên, học viên… Bên cạnh đó, trên địa bàn thủ đô có hàng chục nghìn doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp khó khăn thuộc đối tượng cần hỗ trợ.

Sau khi có hướng dẫn của Trung ương và chính quyền thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát, thẩm định thủ tục; rồi ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,633 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 576,3 tỷ đồng. Thành phố đã hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 89.501 đơn vị với 1,423 triệu lao động, tổng số tiền là 147,3 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất cho 95 đơn vị với 6.827 người lao động, số tiền là 48,6 tỷ đồng; 28/30 địa phương quyết định hỗ trợ cho 18.614 lao động tạm hoãn hợp đồng với kinh phí là 78,8 tỷ đồng; 17/30 quận, huyện hỗ trợ cho 731 lao động ngừng việc với số tiền 1 tỷ đồng....

Cụ Nguyễn Thị Đức, 78 tuổi, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thuộc đối tượng người già có chồng ốm đau bệnh tật, trong bối cảnh dịch bệnh đã được UBND phường Nghĩa Đô hỗ trợ. Cụ Đức chia sẻ, số tiền không nhiều, nhưng quà là gạo và nhu yếu phẩm thiết yếu gia đình nhận được lúc dịch bệnh khó khăn, thể hiện truyền thống lá lành đùm lá rách của người Việt. Còn chị Tô Hằng (quận Đống Đa), gia đình trông vào quán nước chè, nhưng phải nghỉ do dịch đã lâu, với sự hỗ trợ chính quyền và các "mạnh thường quân" đã giúp 3 mẹ con vượt qua những ngày khó khăn giãn cách. 

Hà Nội đã hỗ trợ cho trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế là F0, F1 gồm tiền ăn cho 14.374 người, số tiền 19,3 tỷ đồng. Ngoài ra các viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch, gần 5.000 hộ kinh doanh, trên 161.000 lao động tự do cũng đã nhận được hỗ trợ của thành phố.

Triển khai nhiều chính sách đặc thù

Với tinh thần an toàn và sức khỏe người dân là trên hết, không để người dân phải đói khi chống dịch, nên việc nhanh chóng và kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn được chỉ đạo xuyên suốt từ chính quyền thành phố xuống đến tổ dân phố, kêu gọi huy động nhiều nguồn lực cùng chung tay thực hiện, đã góp phần ổn định đời sống và tạm thời đẩy lùi Covid-19.

Ngoài quy định của Chính phủ, nhằm bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm do dịch bệnh…, Hà Nội đã xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ. Tính đến ngày 20.9, các địa phương của Hà Nội đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 285.729 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 289,776 tỷ đồng. Trong đó, đã có 282.654 người thuộc 3 nhóm đối tượng: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt với số tiền 282,654 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Nam Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận đã chi trả cho trên 3.000 đối tượng chính sách với mức trợ cấp 1 triệu đồng/đối tượng; chỉ còn nhóm các đối tượng làm việc trong các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để chi trả là hoàn thành việc hỗ trợ.   

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân tại địa bàn, Hà Nội cũng đang triển khai lập danh sách thống kê lao động, người dân ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội có nhu cầu về quê. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định. Trước đó, các hoạt động hỗ trợ nhóm người này cũng đã được triển khai với sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể. Gần đây nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội cũng đã tổ chức lập danh sách hỗ trợ các trường hợp khó khăn do dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố. 

Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, Chỉ thị số 20 đang gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố. Những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát.      

Bài và ảnh: Từ Thức