Không để thành tiền lệ xấu

- Thứ Tư, 19/01/2022, 06:02 - Chia sẻ
Đến nay, có thể khẳng định việc đấu giá lô đất 3-12 tại khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh đã thất bại. Cụ thể là Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có thông cáo đơn phương chấm dứt hợp đồng...

Kỷ lục, chưa từng có... là những gì dư luận nói về việc đấu giá lô đất này. Nhưng theo đại diện Tân Hoàng Minh, mức giá 24.500 tỷ đồng không quá cao vì có nhiều cái lợi cho Tân Hoàng Minh cũng như cho TP. Hồ Chí Minh, cho đất nước nếu như có được mảnh đất đó, nên tôi quyết tâm sở hữu bằng được. Vị này trải lòng thêm: nhiều năm qua, tôi thực sự cảm thấy rất xót xa khi nhiều lô đất quý hơn vàng lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được ngay trên chính đất nước mình? Tại sao đất đai - tài nguyên quý giá của nước mình lại tạo ra lợi nhuận cho người nước ngoài? Vì vậy tôi quyết tâm phải có được lô đất đẹp này, kể cả bằng một giá mà theo nhiều người là "sốc". Rằng tôi muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường. Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch; có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng không phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra... Như vậy, có thể khẳng định là mua đúng giá chứ không hề phá giá.

Nhưng rồi không lâu sau đó, vị này lại có “tâm thư” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước xin chấm dứt hợp đồng. Lý do là bởi sau khi trúng đấu giá, Tập đoàn lắng nghe dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua là việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung...

Về lý thuyết, việc đấu giá là công khai, minh bạch, tránh tình trạng Nhà nước bị thất thoát do giá thấp. Vậy nhưng trong sự việc này, "lý thuyết" đã sai, thậm chí như nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc giá cao còn có thể làm nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Và một vấn đề nữa thông qua vụ việc này chính là các kẽ hở của pháp luật. Như phân tích của một đại biểu Quốc hội thì hiện chưa có quy định về việc doanh nghiệp không được bỏ cọc, cho nên cần có quy định cụ thể, rạch ròi về mặt pháp lý đối với người trúng đấu giá để doanh nghiệp không tham gia đấu giá theo kiểu cho "oai" rồi bỏ cọc. Cụ thể Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu cần phải có điều chỉnh để những đơn vị trúng thầu ngoài bỏ cọc ra phải chịu thêm một phần chế tài khác.

Ý kiến khác thì cho rằng, Luật Đấu giá tài sản 2016 không quy định cụ thể về năng lực tài chính của nhà đầu tư khi tham gia đấu giá là phù hợp trong trường hợp đấu giá loại tài sản không phải là đất, người mua tài sản chỉ đơn thuần sở hữu tài sản đó nhưng trong trường hợp đấu giá đất để triển khai một dự án sẽ rất khác. Vì vậy, trong trường hợp này Luật Đấu giá tài sản đã không bao quát hết được những trường hợp đấu giá đất để triển khai một dự án - đòi hỏi phải có năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án…

Việc Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng sau khi đấu giá không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, thế nhưng đã đến lúc cần có chế tài đầy đủ, cụ thể và có sức răn đe mạnh hơn để việc này không trở thành tiền lệ xấu.

Hân Anh