Áp giá sàn vé máy bay

Không khuyến khích cạnh tranh

- Thứ Năm, 07/10/2021, 06:29 - Chia sẻ
Cục Hàng không Việt Nam đưa ra 3 lý do để áp giá sàn vé máy bay nội địa, gồm: Có 3/5 hãng đồng ý; theo kinh nghiệm của Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc; chính sách giá sàn từng được áp dụng tại Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Theo các đại biểu Quốc hội và chuyên gia, lý do này là trái luật, khiên cưỡng, phi thị trường.
Áp giá sàn vé máy bay là trái luật, phi thị trường

Đẩy giá tour lên cao

Thông tin Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay khiến ông Nguyễn Minh Xoang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát đứng ngồi không yên. Sau gần 2 năm gần như "đóng băng" hoạt động vì Covid-19, doanh nghiệp này đang kỳ vọng khi các địa phương dần mở cửa, hàng không nội địa được nối lại sẽ triển khai các tour ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. "Việc áp giá sàn vé máy bay chắc chắn sẽ đẩy chi phí tour lên cao, làm sao chúng tôi thu hút được khách?”, ông Xoang lo ngại.

Lý do để Cục Hàng không Việt Nam quyết giữ quan điểm áp giá sàn vé máy bay nội địa là bởi có 3/5 hãng đã đồng ý (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Bamboo Airways; trong khi Vietjet và Vietravel Airlines không đồng thuận). Bên cạnh đó, một số nước đang áp dụng giá sàn vé máy bay như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc. Ngoài ra, năm 2013, Việt Nam cũng áp dụng thí điểm chính sách giá sàn dịch vụ bốc dỡ container tại Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải để tránh cạnh tranh không công bằng về giá. Do vậy, Cục Hàng không đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay từ ngày 1.11.2021 - 31.10.2022.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, thị trường hàng không nội địa hiện không phải là thị trường cạnh tranh đầy đủ, hoàn hảo để doanh nghiệp hay thị trường quyết định giá. Vietnam Airlines hay VietJet đều giữ vị trí thống lĩnh thị trường khi chiếm trên 30% thị phần. Trong bối cảnh này, vì là thị trường bán (các hãng hàng không bán vé cho khách) và có độc quyền nhóm, một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước sẽ phải định giá trần, không định giá sàn như với thị trường mua.

Điều này Luật Giá đã quy định rõ. Còn theo Luật Hàng không dân dụng, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa có dải giá từ 0 (không) đồng đến mức tối đa. “Như vậy, việc đề xuất áp giá sàn với vé máy bay nội địa không đúng quy định hiện hành, bất kể chỉ là áp dụng tạm thời, cấp bách như xác nhận của Cục Hàng không”, ông Long nhấn mạnh.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách tỏ ý lo ngại việc áp giá sàn vé máy bay sẽ khiến các hãng hàng không cần cải tiến, không cần nâng cao chất lượng dịch vụ mà vẫn đương nhiên được hưởng giá sàn và người tiêu dùng buộc phải chấp nhận. Nói cách khác, áp giá sàn sẽ không khuyến khích cạnh tranh.

Hãy tạo môi trường cạnh tranh thực sự

Một lý do nữa Cục Hàng không đưa ra là một số nước trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường lý do này không thuyết phục. Ông nhấn mạnh, nói là theo kinh nghiệm thế giới thì cần phải đánh giá đó có phải là kinh nghiệm tốt? Muốn vậy, Cục Hàng không cần chứng minh được rằng việc các nước áp dụng giá sàn giúp ngành hàng không của họ phát triển hơn so với các nước không áp dụng giá sàn. Tuy nhiên, đại đa số các nước đều không áp dụng giá sàn vé máy bay. Ngay như Trung Quốc cũng chỉ thực hiện trong giai đoạn 2004 - 2013.

Về việc có 3/5 hãng bay đồng ý giá sàn, ông Cường cho rằng, ngay cả 5/5 hãng đồng tình cũng không thể đưa ra giá sàn. Bởi khi đó, các hãng bắt tay nhau tạo sự độc quyền về giá. Điều này vi phạm luật pháp cũng như vi phạm nguyên tắc cạnh tranh.

Cục Hàng không cũng viện dẫn chính sách giá sàn được áp dụng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải năm 2013. Tuy vậy, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, so sánh này rất khập khiễng và không đúng đối tượng.

Cụ thể, thời điểm đó, do nguồn cung tại cảng dư thừa nên một số cảng cạnh tranh giảm giá để thu hút khách hàng khiến giá dịch vụ tại cảng giảm mạnh và hưởng lợi lớn là các hãng tàu nước ngoài. Việc áp giá sàn dịch vụ bốc dỡ container tại cảng lúc đó rất cần thiết, giúp doanh nghiệp cảng tránh thua lỗ, các hãng tàu nước ngoài không còn được hưởng lợi nhiều như trước. Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, chỉ sau 10 tháng áp dụng thí điểm giá sàn, sản lượng bốc dỡ container tăng đáng kể, doanh thu tăng thêm 9,85 triệu USD so với trước. Tuy nhiên, áp giá sàn với vé máy bay thì tác động tới người tiêu dùng trong nước. Đây là hai bài toán hoàn toàn khác nhau!

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là áp giá sàn vé máy bay, mà Nhà nước phải tạo ra thị trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, không có tình trạng bán phá giá; đồng thời phải quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn dịch vụ hàng không, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. “Nếu cùng tiêu chuẩn đó mà vẫn có doanh nghiệp bán vé hấp dẫn hơn thì chứng tỏ hiệu quả quản trị tốt hơn, tại sao lại phải đặt giá sàn?”. Nếu muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không, theo ông Cường, có thể xem xét giảm thuế, phí.

“Chúng ta đang hội nhập và muốn quốc tế công nhận nền kinh tế thị trường. Vậy thì trước hết phải thực hiện đúng luật hiện hành, học tập những thông lệ tốt trên thế giới và tuân thủ quy luật thị trường”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến cáo.

Đan Thanh