Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19

Không lơ là, chủ quan - vaccine giá trị nhất mà ai cũng đang có

- Thứ Hai, 08/11/2021, 18:34 - Chia sẻ
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần thẳng thắn và nghiêm túc khi Chính phủ, Quốc hội đều đã đề cập đến những điều làm được và chưa được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với mất mát to lớn - 22.500 người đã mất do đại dịch, có ý kiến đề nghị, Quốc hội cho phép được tổ chức ngày Quốc tang để tưởng nhớ đồng bào, đồng chí đã mất do Covid-19. Đây vừa là thể hiện tính nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, đúng với đạo lý của con người Việt Nam, vừa để nhắc nhở những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng, chống dịch Covid-19, cùng đồng lòng, quyết tâm hơn trong công cuộc chống lại đại dịch.

Luôn đặt lợi ích đất nước, Nhân dân lên trên hết, trước hết

Tiếp tục thảo luận về chủ đề công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong phiên họp chiều nay, 8.11, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần thẳng thắn và nghiêm túc khi Chính phủ, Quốc hội đều đã đề cập đến những điều làm được và chưa được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Để có được kết quả này, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 cho phép thực hiện một số biện pháp chưa có quy định hoặc khác với luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết như Nghị quyết 268, Nghị quyết 03…; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hoặc là có tính quy phạm pháp luật… để phòng, chống dịch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Điều đó cho thấy "Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống đại dịch. Quốc hội hành động, Chính phủ hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân lên trên hết và trước hết", đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Đối với 22.500 người tử vong do đại dịch Covid-19, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là mất mát hết sức to lớn và đề nghị Quốc hội cho phép được tổ chức ngày Quốc tang. Việc làm này là cần thiết, bởi phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị trong Thông báo số 19 ngày 22.4.2011 là đồng ý tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, của cải của nhân dân. Hơn nữa, hầu hết những người đã mất trong đại dịch đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên không được tổ chức mai táng. Do đó, việc tổ chức Quốc tang là rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, đúng với đạo lý của con người Việt Nam. Đồng thời, để nhắc nhở những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng, chống dịch Covid-19, để cùng nhau đồng lòng, quyết tâm hơn trong công cuộc chống lại đại dịch.

Không lơ là, chủ quan, bình tĩnh chống dịch

Bày tỏ quan điểm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định quan điểm "tuyệt đối không lơ là, chủ quan và cần bình tĩnh chống dịch". Tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe của chính cá nhân mỗi người và sự an toàn của cộng đồng nên không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Đây là loại "vaccine xã hội" cần thiết nhất, giá trị nhất mà ai cũng đang có, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

"Bình tĩnh chống dịch" để thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đây là chiến lược rất sáng tạo, được Nhân dân đồng tình và quốc tế đánh giá cao. Bởi, doanh nghiệp phải được sản xuất, trẻ em được đến trường, hàng hóa phải được thông thương, du lịch phải được hoạt động, sân bay phải được mở cửa, các hoạt động phải được sống động trở lại… Do đó, "Chính phủ cần phải tìm ra cách giải quyết dù rất khó nhưng không có nghĩa là không làm được".

Phân tích vấn đề ở góc độ thực tế cuộc sống, đại biểu Tô Văn Tám nêu thực trạng về việc hàng trăm, hàng nghìn lao động nhập cư trở về quê hương vì không chịu nổi áp lực, khó khăn do cuộc sống và tác động của đại dịch mặc dù chính quyền đã động viên, hỗ trợ và giúp đỡ. Các mệnh lệnh hành chính, các điểm chốt chặn, những quy định, điều kiện đi lại, quy định về điều kiện trở về… đã không ngăn được bởi nhu cầu trở về quê hương là chính đáng. Trong khi đó, các chủ thể khác của xã hội đã sớm nắm bắt nhu cầu này và chung tay giúp đỡ để người dân trở về quê hương.

Tuy nhiên, cho rằng, việc tổ chức thực hiện của các chủ thể xã hội chưa phải là tốt, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, cần thiết phải tổ chức và thiết lập một cơ chế hành động, thiết chế hành lang kết nối chính quyền với các chủ thể khác trong xã hội để các nguồn lực này được phát huy tốt hơn, có tổ chức hơn.

T. Thành