Không lơ là, không nóng vội

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 07:06 - Chia sẻ
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các cấp, ngành tránh 2 khuynh hướng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch và nóng vội chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch tại văn bản hỏa tốc số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố chiều 15.9.

Đánh giá cụ thể nguy cơ từng vùng

Việc một số quận, huyện không phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng, thuộc vùng 2, vùng 3 của thành phố đã áp dụng trở lại một số dịch vụ như ăn uống (chỉ bán mang về) được cho là phù hợp. Cần mở cửa, nới lỏng dần dần để người dân sớm có thể kinh doanh, buôn bán, từng bước thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Trong văn bản số 14625/SYT-NYV của Sở Y tế thành phố, quận Long Biên là một trong 19 quận không ghi nhận ca mắc cộng đồng đã áp dụng một số biện pháp nới lỏng có kiểm soát theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-UBND. Trên toàn quận có 3 trung tâm thương mại, 24 chợ dân sinh và 508 siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thiết yếu được phép hoạt động. Hoạt động sản xuất phục hồi cơ bản với 54 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 890 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đang hoạt động.

Gần 1.100 cơ sở dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách vở, cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy, cửa hàng vật liệu xây dựng đã được cho phép mở cửa trở lại. Ngoài ra, các công trình xây dựng trên địa bàn quận đều được phép hoạt động trở lại.

Việc UBND thành phố có văn bản chỉ đạo điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn theo hướng nới lỏng có kiểm soát, có nguyên tắc đã được nhiều người dân tại Long Biên quan tâm, ủng hộ. 

Các cửa hàng bán đồ ăn bắt buộc phải tạo điểm quét QR code và chỉ bán mang về

Quản lý chặt chẽ các dịch vụ mở cửa trở lại

Từ 12h00 ngày 16.9.2021, thành phố Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại 19 quận, huyện, thị xã gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ được mở cửa, với điều kiện bắt buộc là phải tạo điểm quét QR code để khách đến mua hàng khai báo.

Tất cả các cửa hàng đều phải thực hiện tạo điểm quét QR code và khách hàng phải thực hiện khai báo theo hướng dẫn. Đây được xem là cách quản lý đối với các dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố nhằm thực hiện an toàn các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố hiện nay.

Đây là chủ trương chung của cả thành phố, tuy nhiên các địa phương vẫn cần có những biện pháp khác nhau để bảo vệ vững chắc “vùng xanh”. Chính quyền địa phương vẫn cần làm nghiêm, quản lý chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ được phép mở cửa trở lại về phòng, chống dịch theo quy định, bởi lẽ chỉ một chút lơ là sẽ làm mất hết công sức của cả hệ thống chính trị từ thành phố, huyện, xã, người dân thời gian qua. Đặc biệt lưu ý, đối với chủ cơ sở kinh doanh phải khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K, quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. 

Văn Anh