Bạn đọc viết

Không máy móc, chủ quan

- Thứ Hai, 13/09/2021, 21:17 - Chia sẻ
Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng số ca nhiễm và tử vong đều đang giảm dần. Trong đó, nhiều địa phương, kể cả các điểm nóng TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội cũng đã dần dần kiểm soát được dịch. Cùng với đó việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine nên các tỉnh vùng dịch đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho trên 70% dân số độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, các địa phương đang tính đến việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới!

Đại dịch Covid -19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống KT-XH

Nguồn: ITN

Việc mở cửa các hoạt động bình thường kinh tế - xã hội, ‘sống chung với dịch’ là điều sớm hay muộn cũng phải làm, không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đặc biệt là ở những địa phương đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và số người đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, việc mở cửa như thế nào, khi nào, ra sao và ở mức độ nào thì các ngành, địa phương phải cần tính toán cụ thể để dịch không tiếp tục bùng phát. Trước mắt tạo điều kiện cho phép một số ngành, lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội vẫn được trở lại bình thường, thực hiện được ‘mục tiêu kép’. Có thể bắt đầu từ việc cho phép mở lại việc kinh doanh dịch vụ, ăn uống, buôn bán nhỏ, tập trung ít người... có sự kiểm soát, nhất là tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K. Tiếp đó, mở cửa lại trường học để học sinh được đến trường học trực tiếp - bởi chỉ khi học sinh đến trường thì xã hội mới thật sự bình thường!

Các địa phương cần có phương án, kịch bản cụ thể, chi tiết gắn với các mục tiêu phòng chống dịch để từng bước đưa xã hội, đời sống nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới. Theo đó, cần đảm bảo nguyên tắc đáp ứng được yêu cầu chống dịch ở mức độ, tiêu chí nào thì cho mở cửa ở mức độ đó. Chẳng hạn tiêm được bao nhiêu % dân số thì được thực hiện mở cửa ở mức độ tương ứng; tương tự như tình hình dịch diễn biến như thế nào thì được thực hiện Chỉ thị 15, 16 hay 19 hiện nay.

Rút bài học kinh nghiệm từ việc mở cửa quá sớm từ các nước có dịch nhưng chưa đạt được mục tiêu liên quan nên dịch đã bùng phát trở lại. Do đó, các địa phương tuyệt đối không nên bị động, máy móc trong việc ‘ngăn sông, cấm chợ’, đóng kín cửa, cấm mọi hoạt động nhưng cũng không nóng vội trong việc mở cửa mọi hoạt động trở lại.

Ngoài ra, đối với những địa bàn chưa có dịch hoặc dịch đã được kiểm soát thì vẫn nên duy trì các biện pháp phòng chống dịch, kết hợp thực hiện "mục tiêu kép". Không nên mở cửa đồng loạt, đánh đồng địa phương có dịch cũng như không có dịch mà phải kiểm soát dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho "vùng Xanh".

Thiết nghĩ, 'không thể giãn cách, phong tỏa mãi được' nhưng việc mở cửa phải chủ động, thận trọng, từng bước và có lộ trình phù hợp với từng địa bàn. Tuyệt đối không nên máy móc, chủ quan, nóng vội sẽ ảnh hưởng đến thành quả mà chúng ta đã đạt được thời gian qua.

Phạm Chung