Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Không nên có quy định “quét”

- Thứ Hai, 25/10/2021, 15:14 - Chia sẻ
Các đại biểu tại Tổ 2 (gồm đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long) đều tán thành với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, vì sau hơn 20 năm thi hành đến nay đã có nhiều thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật, cũng như mức độ nhận thức của người dân về bảo hiểm. Tuy nhiên, các ĐBQH đề nghị, cân nhắc việc quy định mang tính chất “quét” tại Điều 3, dự thảo Luật về áp dụng pháp luật.
	ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) cho ý kiến với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) cho ý kiến với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tán thành với việc sửa đổi luật hiện hành, ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội Khoá X thông qua năm 2000, sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010 và 2019 để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật. Sau 20 năm thực thi, hiện có nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội, mức độ nhận thức của người dân, môi trường pháp lý trong nước, cũng như mức độ hội nhập quốc tế, nên nhiều nội dung trong Luật hiện hành đã lạc hậu, không đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 2 cũng nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật  và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

	ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho ý kiến với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho ý kiến với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Về áp dụng pháp luật, dự thảo Luật thể hiện theo hướng ưu tiên áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với một số nội dung mang tính chuyên ngành, đặc thù về kinh doanh bảo hiểm. Nguyên tắc này phù hợp với một số nội dung chuyên ngành, song các đại biểu Nguyễn Đình Việt, Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị, việc quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật như tại Điều 3 của dự thảo Luật sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Nguyễn Đình Việt cho rằng “để không tạo ra xung đột về nguyên tắc áp dụng pháp luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung quy định đặc thù so với luật khác ngay tại dự thảo Luật”.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, nội dung này cần được tính toán kỹ, các quy định đặc thù liên quan đến kinh doanh bảo hiểm phải được rà soát và quy định ngay trong dự thảo Luật này. Không thể để quy định về áp dụng pháp luật có tính chất “quét” tại Điều 3, vì sẽ không thống nhất với nguyên tắc áp dụng pháp luật được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Cùng với đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã quy định những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự thì các luật có liên quan không được trái. Xem xét trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự năm 2015, đại biểu Đỗ Đức Hiển lưu ý với quy định về hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 20, và khoản 1 Điều 24 quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận và thời hạn gia hạn đóng phí. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. “Quy định này trái với Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thì các bên chấm dứt các quyền, nghĩa vụ kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo về việc chấm dứt, trừ những quy định liên quan đến thực hiện nghĩa vụ vi phạm phạt vi phạm (như bồi thường thiệt hại). Quy định tại dự thảo Luật quá rộng, phần nào ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm bắt buộc khi tiếp tục phải đóng phí trong trường hợp mà đã chấm dứt hợp đồng rồi không phù hợp”, ông Hiển phân tích. 

Liên quan đến quy định về việc phải được chấp thuận và thông báo đối với khoản 2, Điều 76 của dự thảo luật trong trường hợp thay đổi điều lệ hoạt động thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Một số ĐBQH lưu ý, Luật Doanh nghiệp hiện hành không quy định nội dung này, mà những nội dung cần thiết phải đăng ký thông báo đã quy định rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ làm tăng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Thanh Hải