Nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2022)

Không ngừng củng cố niềm tin yêu và thắt chặt quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:12 - Chia sẻ
Bài học sống còn Đảng rút ra trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng là coi trọng mối quan hệ giữa Đảng với dân. Đảng xem mối quan hệ giữa Đảng với dân là cốt lõi. Vấn đề này được Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề cập sâu sắc và toàn diện. Từ khi ra đời Đảng đã sống trong lòng dân, được dân tin yêu, ủng hộ, đồng lòng đi theo Đảng, nhờ dân đùm bọc che chở, là lực lượng đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống nên cách mạng mới giành được thắng lợi.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều nguy cơ, Đảng đã thấy nguy cơ lớn nhất là Đảng xa dân, mất niềm tin với dân. Quá trình cách mạng, điều Đảng có được là tấm gương của người cán bộ, đảng viên, để dân gửi gắm niềm tin yêu. Cán bộ đảng viên của Đảng được giao quyền để quản lý xã hội, dân dựa vào cán bộ, đảng viên để gửi gắm niềm tin vào Đảng. Thế nhưng, một bộ phận cán bộ, đảng viên lại “ăn trên ngồi trốc”, quan liêu, hách dịch, tham ô, lãng phí, sống buông thả, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… làm cho dân đau lòng, bức xúc dẫn đến suy giảm lòng tin với Đảng.

Đây là vấn đề rất lớn mà Đảng và Bác Hồ đã nhìn thấy. Qua nhiều Đại hội, đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng nhấn mạnh cần “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Mối quan hệ giữa Đảng với dân là mối quan hệ hữu cơ, tất yếu. Đảng nhận thấy mối quan hệ này cần phải tiếp tục được “thắt chặt”, đổi mới với yêu cầu cao hơn, gần gũi, khăng khít hơn.

Quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đảng với dân. Trước tiên đó là những chủ trương Đảng đề ra phải phù hợp với nguyện vọng, ý chí, quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, phải thật sự “tất cả vì dân”. Trong thực tế vẫn có những chủ trương, hoặc quá trình thực hiện chủ trương có những sai sót. Nhưng nếu sai sót đó lại do lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, do quan liêu vô cảm không thực sự vì dân, làm cho dân nghi ngờ thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của dân.

Cho nên, các chủ trương của Đảng phải thực sự vì dân, phải được Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa, cụ thể hóa và được chính quyền các cấp tổ chức thực hiện công tâm, vì đời sống và lợi ích của Nhân dân. Đảng lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước, Nhân dân nhìn vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước để đánh giá vai trò lãnh đạo của Đảng. Những gì mà Nhà nước mang đến vì lợi ích của dân, dân hiểu đó là của Đảng; trái lại những gì phiền hà đến dân thì dân cũng “trách” Đảng. Quan hệ dân với Nhà nước thực chất cũng là quan hệ dân với Đảng. Nếu Nhà nước quan liêu, Nhà nước cửa quyền, Nhà nước xa dân thì dân cũng oán trách Đảng. Đây là điều rất cốt lõi của Đảng cầm quyền.

Nhân dân nhìn vào những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà Đảng giao quyền để quản lý bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, nếu họ gương mẫu, liêm chính, có trách nhiệm trong thực thi công vụ; làm việc tận tâm, hết lòng vì dân, gần gũi, thấu hiểu dân, luôn lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của dân; không quan liêu, thờ ơ, vô cảm, không cá nhân, vụ lợi, thực sự là “đầy tớ của dân” thì dân tin, đó cũng là tin Đảng. Trái lại nếu hách dịch, quan liêu, cửa quyền, tham ô, chạy chọt, đút lót, nhũng nhiễu, “bất liêm” dân biết, thì dân oán trách, làm tổn hại đến uy tín của Đảng.

Quan điểm “dân là gốc”, “dân làm chủ” đã được Đảng ta vận dụng thành công trong suốt quá trình cách mạng. Đến Đại hội lần thứ XIII, trước yêu cầu phát triển đất nước ngày càng cao và trong bối cảnh mới, Đảng thấy vai trò Nhân dân cần được đề cao hơn, tư tưởng về phát huy quyền làm chủ của dân trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ được hoàn thiện thêm một bước mới. Đảng đã nêu phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây cũng chính là thực hiện theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều của dân, bao nhiêu quyền lợi đều của dân”. Dân làm chủ thì phải biết, phải được bàn để làm cho tốt; dân phải được kiểm tra, giám sát xem cán bộ, chính quyền làm sai hay đúng và những của cải vật chất, tinh thần dân làm ra dân được thụ hưởng đến đâu. Đây cũng là bản chất của chế độ ta và cũng là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển. 

Mối quan hệ Đảng với dân dựa trên sự đoàn kết, thống nhất từ trong Đảng ra ngoài quần chúng. Hồ Chí Minh căn dặn phải xem sự đoàn kết trong Đảng như con ngươi của mắt mình; đoàn kết toàn dân là sức mạnh đưa đến thành công. Đại hội lần thứ XIII nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại”. Muốn đoàn kết được toàn dân thì phải “dân vận khéo” phải mang lại quyền lợi cho dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động Nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tập trung giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận, giữ gìn an ninh trật tự xã hội với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Mối quan hệ giữa Đảng với Dân là tài sản vô giá của Đảng và dân tộc. Kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng và triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống trong thời đại mới cần nhận thức sâu sắc hơn và làm tốt hơn nữa mối quan hệ Đảng với dân. Không ngừng củng cố niềm tin yêu, thắt chặt quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, tất cả vì lợi ích thiết thực của dân, phát huy quyền làm chủ thực sự của dân, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới với khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

TS. Đặng Duy Báu