Sổ tay:

Không phụ thuộc địa giới hành chính

- Thứ Bảy, 13/03/2021, 06:17 - Chia sẻ
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Đề án) đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ, nếu được triển khai, Đề án hứa hẹn sẽ giúp góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động; thúc đẩy hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai trong phạm vi toàn quốc, áp dụng đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương sau khi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP có hiệu lực. Đến nay, đã có 55/63 trung tâm phục vụ hành chính công tại các tỉnh, thành phố. Đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể tổ chức phân tán hoặc tập trung tại các sở, ngành.

Thực tế cho thấy, các trung tâm dịch vụ hành chính công đã theo hướng đơn giản hóa, đổi mới, phục vụ người, doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, có thể thấy đây là một mô hình mới, chưa có tiền lệ nên không thể tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dẫn đến việc chưa đáp ứng được hết kì vọng mà người dân và doanh nghiệp mong đợi.

Chính vì lẽ đó, việc xây dựng Dự thảo Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sẽ hướng tới việc khắc phục những khó khăn, hạn chế như vấn đề quản lý phần mềm chuyên ngành, số lượng hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến thấp, mất nhiều thời gian giải quyết thủ tục hành chính…

Theo Dự thảo, năm 2021, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp.

Theo các chuyên gia, điều kiện kiên quyết để giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính là phải có hệ thống một cửa và Cổng Dịch vụ công của địa phương và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bởi lẽ, việc hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh sẽ giúp tận dụng được dữ liệu sẵn có của tỉnh, kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu sẽ hạn chế được những khó khăn trong công tác quản lý.

Đáng chú ý, Dự thảo Đề án đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2022, sẽ mở rộng việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục hành chính về hộ tịch, cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, bảo hiểm xã hội, thuế, làm cơ sở đánh giá và nhân rộng đối với các ngành, nghề, lĩnh vực khác vào năm tiếp theo…; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa xuống còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.

Có thể thấy, khi Đề án có hiệu lực sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại, bởi chỉ cần đến địa điểm một cửa có thể giải quyết thủ tục hành chính mà không cần đến thêm nơi khác. Đặc biệt, đề án sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc, cơ quan hành chính nhà nước, tập trung nhân lực, vật lực thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nguyễn Ngân