Không quyết tâm “suông”!

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 06:14 - Chia sẻ
Hết năm 2021, đại đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sẽ hoạt động trở lại. Đây là mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 105 vừa ban hành về các nội dung hỗ trợ nhóm đối tượng này vượt qua khó khăn do dịch bệnh, hồi phục và phát triển.

Nhìn vào bức tranh doanh nghiệp hiện nay có thể thấy mục tiêu trên đầy tham vọng! Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này có 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; nếu tính cả hợp tác xã và hộ kinh doanh con số chắc chắn lớn hơn nhiều. 

Tuy nhiên tham vọng ấy cũng cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc hồi phục nền kinh tế nhanh nhất, sớm nhất có thể ngay khi kiểm soát được dịch bệnh. Không quyết tâm “suông”, Nghị quyết 105 đề ra nhiều giải pháp với trách nhiệm cụ thể và thời hạn thực hiện rõ ràng. Đặc biệt, có những chỉ đạo mới mẻ, đáp ứng được mong mỏi, đề xuất của doanh nghiệp thời gian qua.

Ví dụ, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ngay trong tháng 9 phải có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm Covid và tự làm xét nghiệm. Đây là “lời hồi đáp” đề xuất của doanh nghiệp muốn được “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” hơn một tháng trước. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản được chi phí tương đối lớn so với xét nghiệm dịch vụ như hiện nay. Người lao động cũng tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng tập trung đông người để xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả...

Hơn một năm qua, quá khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp kiên trì đề xuất miễn, giảm phí công đoàn. Lần này, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp phí công đoàn trong 2 năm 2021 - 2022 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi Covid và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo trình tự rút gọn. Đồng thời, trong quá trình sửa Luật Công đoàn phải nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét giảm mức đóng phí công đoàn. Như vậy, gánh nặng tài chính của doanh nghiệp sẽ giảm thêm một phần nữa. Theo tính toán, nếu mức lương trung bình của công nhân là 3,5 triệu đồng một tháng, doanh nghiệp có 300 - 500 lao động sẽ phải đóng 250 - 450 triệu đồng/năm; doanh nghiệp có dưới 1.000 lao động đóng 500 - 850 triệu đồng/năm; doanh nghiệp có trên 5.000 lao động đóng 3,5 tỷ đồng/năm. Trên bình diện chung, kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy, tổng thu tài chính công đoàn là trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ khối đơn vị sản xuất, kinh doanh chiếm 69%. Đây đều là những con số không nhỏ.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ trao cho địa phương quyền quyết định và chịu trách nhiệm việc mở cửa các hoạt động kinh tế trên địa bàn tùy diễn biến dịch bệnh và theo hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Y tế. Tinh thần là hạn chế tối đa đóng cửa nhưng phải an toàn phòng dịch. Như vậy, ngay từ bây giờ các địa phương có thể chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn mới để tránh lúng túng, bị động. Theo đó, doanh nghiệp cũng sớm lên được phương án sản xuất, kinh doanh của mình.

Để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm hoạt động trở lại, điều quan trọng là thống nhất các ứng dụng công nghệ, từ ứng dụng khai báo y tế đến “giấy đi đường”, từ “hộ chiếu vaccine” đến các luồng di chuyển…, vào một đầu mối để người lao động sử dụng thành thạo và không gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động kinh tế. Việc này Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và yêu cầu phải xong trong tháng 9.

Nếu các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105 được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc thì mục tiêu đầy tham vọng - đưa đại đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoạt động trở lại vào cuối năm nay - có thể thành hiện thực.  

Hà Lan