Không “thả nổi” quảng cáo rượu bia

- Thứ Hai, 26/10/2020, 07:03 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, dù các quy định pháp luật đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các nội dung quảng cáo rượu bia; song số trường hợp bị xử lý vi phạm vẫn chưa được như mong đợi. Do đó, cùng với việc siết chặt nội dung với yêu cầu quảng cáo rượu bia phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm để người dân biết về mức độ nguy hại; đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, cũng như tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Siết chặt quảng cáo

Rượu bia đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động đến sức khỏe người sử dụng nhưng vẫn đang được bày bán công khai và quảng cáo rầm rộ. Theo đó, các sản phẩm rượu bia vẫn được bày bán trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, nơi trẻ vị thành niên có thể dễ dàng tiếp cận và mua được. Thậm chí, giới trẻ hoàn toàn có thể ở nhà truy cập vào các trang web để đặt mua và giao hàng tận nơi. Điều này cho thấy, rào cản tiếp cận rượu bia với giới trẻ, nhất là công cụ bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng của các loại hình quảng cáo đồ uống có cồn vẫn chưa chặt chẽ.

Các cửa hàng bày bán nhiều loại bia
Nguồn: ITN

Theo Bộ Y tế, mức độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân đầu người quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít. Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại với nam giới là 44,2% và nữ giới là 1,2%.

Khắc phục điều này, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định rõ biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia. Theo Khoản 3, Điều 5, quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm có một trong các nội dung cảnh báo: “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”.

Quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi âm, ghi hình phải đọc rõ nội dung cảnh báo với tốc độ đọc tương đương tốc độ đọc các nội dung khác trong cùng một quảng cáo. Quảng cáo rượu, bia trên báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh có hình, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi hình phải thể hiện nội dung cảnh báo bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Trường hợp quảng cáo rượu, bia trên truyền hình thì cảnh báo bằng chữ viết phải thể hiện theo hết chiều ngang của màn hình. Quảng cáo tại địa điểm kinh doanh rượu, bia phải có nội dung cảnh báo bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn.

Đồng thời, Nghị định 24/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, việc quảng cáo rượu bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia bảo đảm không hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi; quảng cáo không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi.

Nhiều chiêu trò trá hình, lách luật

Theo các chuyên gia, dù các quy định pháp luật đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn các nội dung quảng cáo rượu bia; song thực tế cũng cho thấy, số trường hợp bị xử lý vi phạm vẫn chưa được như mong đợi. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An cho biết, rất nhiều quảng cáo rượu bia hiện nay dù có dòng chữ cảnh báo tác hại của rượu bia nhưng rất nhỏ, mờ nhạt, thời gian xuất hiện quá ngắn; hầu hết các chương trình quảng cáo rượu bia trên các đơn vị truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội đều không đáp ứng được quy định theo Nghị định số 24/2020/NĐ-CP, thậm chí còn có những chiêu trò trá hình, lách luật trong việc quảng cáo rượu bia.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh việc thiếu những quy định của pháp luật cụ thể chi tiết trong lĩnh vực quảng cáo rượu bia, vấn đề thiếu sát sao trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc xử phạt về hoạt động quảng cáo rượu bia trên mạng internet và mạng xã hội không được hiệu quả. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho rằng, quảng cáo trên mạng xã hội là hình thức quảng cáo không biên giới, có khả năng tiếp cận mọi người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em, nên nếu thả nổi hoạt động này sẽ ảnh hưởng tới giới trẻ, tạo điều kiện cho việc mua các sản phẩm rượu bia qua mạng xã hội trở nên dễ dàng.

Ngoài ra, từ ngày 15.11, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, với một số quy định cụ thể về xử phạt hành chính trong hoạt động quảng cáo rượu bia nói chung, bao gồm cả hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện điện tử nói riêng sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả thực thi cũng như siết chặt vấn đề quảng cáo rượu bia đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, những tác hại của rượu bia tới sức khỏe. Qua đó răn đe và nhắc nhở người dân có ý thức để tự giác bảo vệ mình và cộng đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh quảng cáo hoặc mua bán, sử dụng rượu bia.

Hiểu Lam