Không thể chậm hơn...

- Thứ Sáu, 09/07/2021, 07:01 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý II năm nay ước tăng 6,61% so với cùng kỳ 2020, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II.2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2018 và 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Đây là kết quả đáng khích lệ bởi dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Kết quả này cũng cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu của cả năm, vẫn còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, theo kịch bản tăng trưởng GDP mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thì trong trường hợp dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản được khống chế trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6%, trong đó, quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%. Kịch bản 2 là trong trường hợp dịch cơ bản được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản này, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%.

Nhận định về các kịch bản tăng trưởng này, một số ý kiến cho rằng, kịch bản 2 sẽ có nhiều khó khăn vì rất có thể việc khống chế, "thoát" khỏi dịch và mở cửa của nước ta sẽ chậm hơn so với thế giới. Ngoài ra, "sức khoẻ" doanh nghiệp đã yếu đi nhiều, cụ thể có đến 85% doanh nghiệp trong nước bị tác động tiêu cực, trong khi tăng trưởng GDP vẫn đặt ở mức cao thì thực lực kinh tế, doanh nghiệp thế nào? Liệu có "đứng dậy" được khi mở cửa trở lại không?

Ngoài ra còn một vấn đề khác là nước ta hiện vẫn chống dịch theo hướng truy vết, cách ly và phong tỏa chứ chưa tạo được miễn dịch cộng đồng nên có thể nhanh trong chống dịch nhưng thoát khỏi dịch lại chậm hơn, dẫn đến chậm trễ trong nối chuỗi với thế giới... Bởi vậy, vấn đề đặt ra - như ý kiến của một chuyên gia là chúng ta không thể chậm hơn tốc độ mở cửa của thế giới. Nhưng để thực hiện được thì Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải thực sự vào cuộc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không thể chờ hết dịch mới làm.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP nửa năm qua chưa phải là cao. Bởi vậy, điều cần thiết trong dài hạn là phải hoàn thiện chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển. Đặc biệt, phải xây dựng được các kế hoạch mở cửa, phải có các kịch bản kiểm soát dịch bệnh sát hợp với thực tế và phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng.

Về ngắn hạn là triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả; khuyến khích các kế hoạch, phương thức kinh doanh mới. Cần có chính sách để thu hút vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán hay đầu cơ bất động sản. Có như vậy mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Hân Anh