Không thể chậm trễ

- Thứ Năm, 25/11/2021, 06:33 - Chia sẻ
"Chiến tranh qua bao năm rồi, người còn, người mất, cứ đòi đủ hồ sơ thì làm gì còn. Thân nhân những người có công không chờ mãi được đâu". Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang khi đề cập đến tình trạng tồn đọng hồ sơ xin hưởng chế độ chính sách của thân nhân liệt sĩ, người có công.

Đây cũng chính là một trong những "nút thắt" trong giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chính sách với người có công ở không ít địa phương thời gian qua.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính sách này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong suốt thời gian qua. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.

Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ tại các địa phương, cơ quan công an, quân đội đã được giải quyết căn bản trong năm 2020. Theo đó, đã xem xét giải quyết được 5.900 trường hợp tồn đọng; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 2.000 liệt sĩ, thẩm định trên 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó, có vai trò không nhỏ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dù các bộ, ngành, địa phương rất nỗ lực trong các khâu xác minh nhưng vẫn tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ. Thậm chí, có địa phương tồn đọng hơn 100 trường hợp đề nghị giải quyết chính sách cho liệt sĩ bởi vướng mắc trong bao nhiêu năm qua.

Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng tồn đọng hồ sơ đề nghị xem xét giải quyết các chế độ chính sách, trong đó có đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ. Bởi việc giải quyết hồ sơ liên quan đến vấn đề này khá phức tạp, liên quan tới nhiều cơ quan, qua nhiều khâu, nhiều bước xác minh. Chưa kể, nhân chứng người còn, người mất, khó khăn cho cơ quan xác minh. Chính vì thế, các cơ quan có thẩm quyền phải làm rất cẩn trọng để bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng. Bởi xác minh không kỹ lưỡng, không đến nơi đến chốn sẽ dẫn tới những tiêu cực, khai man hồ sơ để hưởng chế độ chính sách. Thực tế đã có tới hàng nghìn hồ sơ bị khai man, giả mạo, có hàng trăm đối tượng bị đưa ra xét xử bởi hành vi trục lợi chính sách đối với người có công.

Cẩn trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm quá trình thực hiện chính sách đối với người có công được bảo đảm công khai, công bằng là rất cần thiết. Nhưng không vì thế mà chúng ta để quá trình xem xét hồ sơ bị chậm trễ kéo dài. Bởi phía sau những hồ sơ còn đọng, còn vướng mắc ấy, không ít các thương binh, thân nhân các liệt sĩ đang chờ đợi. Họ chờ đợi không chỉ vì những chính sách ưu đãi đối với người có công, mà điều họ cần hơn cả là ghi nhận sự cống hiến của bản thân, cũng như sự hy sinh của thân nhân của mình cho Tổ quốc.

Trên diễn đàn Quốc hội, chính sách đối với người có công cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, lên tiếng ở không ít kỳ họp Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, “vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, để lại sự khắc khoải khôn nguôi trong lòng những người mẹ, người vợ, người thân yêu trong gia đình cũng như trong mỗi trái tim người con đất Việt”.  

"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Nhận thức sâu sắc được điều đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách ưu đãi người có công và giám sát việc tổ chức thực hiện để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chiến tranh đã lùi xa. Để tri ân những người không tiếc xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc, các cấp, các ngành, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng để những người có công và thân nhân của họ sớm tiếp cận được chính sách nhân văn này. Giải quyết hồ sơ phải công bằng, khách quan, nhưng không quá cứng nhắc, phải hợp lý, hợp tình và không kéo dài, chậm trễ mãi. Bởi “thân nhân những người có công không chờ mãi được đâu”!

Song Hà