Không thể chỉ trông chờ vào học phí

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 08:44 - Chia sẻ
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chưa tăng học phí trong bối cảnh Covid-19 và thiên tai khốc liệt năm nay ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhưng thực tế học phí nhiều trường đại học cả công lập lẫn tư thục đều tăng mạnh. Nhiều trường tăng kịch trần theo khung của Nghị định 86/2015/NĐ-CP; trong đó, chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà.

Dẫn đầu về mức tăng là các trường đào tạo ngành khoa học sức khỏe. Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tăng gấp 3 - 5 lần, dao động từ 38 - 70 triệu đồng/năm. Khoa Y của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng lên tới 88 triệu đồng/năm. Khối trường ngoài công lập cũng không kém cạnh. Trường Đại học Văn Lang có mức tăng ở các ngành lên gần 35%. Trường Đại học Hoa Sen có ngành tăng tới 35,7% so với năm ngoái. Đáng chú ý, ngành y khoa của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng công bố học phí lên tới 82,5 triệu đồng/học kỳ, nghĩa là phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng mới lấy được bằng tốt nghiệp.

Với việc đẩy mạnh tự chủ đại học, việc tăng học phí được coi là khó tránh. Theo lộ trình, các trường đại học sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Song bao giờ tăng, tăng bao nhiêu thì phù hợp với khả năng chi trả của người dân là câu hỏi đang được quan tâm. Ở nước ngoài, chi phí này không chỉ có học phí mà còn từ các nguồn thu khác bên ngoài như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động đầu tư… Còn ở nước ta, đa số các trường tự chủ đều thu học phí cao để lấy nguồn đó chi cho tất cả hoạt động vận hành nhà trường, tạo gánh nặng khá lớn cho người học.

Thực tế, riêng với việc đào tạo của nhóm ngành sức khỏe tốn kém gấp năm đến sáu lần các ngành đào tạo khác, nếu cứ yêu cầu các trường “cào bằng” học phí thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ tương lai theo chuẩn hội nhập là rất khó. Lãnh đạo Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, với mức thu chỉ 13 triệu đồng/sinh viên/năm như hiện nay, chi phí mà trường chi trả cho các bệnh viện thực hành “không đủ để sinh viên rửa tay với xà phòng sát khuẩn” chứ chưa nói là sử dụng những thiết bị, dụng cụ khác.

Tuy nhiên, với nhiều trường, tăng học phí chưa đi kèm chất lượng. Nhiều trường lý giải việc tăng học phí sẽ đi kèm cải tiến trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và trải nghiệm thực tế, đảm bảo giá trị tăng thêm cho sinh viên và đạt các chuẩn đầu ra theo yêu cầu thị trường… Nhưng thực tế, kết quả kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường đại học công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo của Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước trong điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo, chương trình chưa được kiểm định, nhiều trường chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.

Phải khẳng định rằng, mức trần học phí không có nghĩa các trường đại học tự chủ tài chính sẽ tăng kịch trần, mà các trường phải có kế hoạch xây dựng mức học phí phù hợp với điều kiện, chất lượng đào tạo của mình. Thời điểm nào tăng, tăng bao nhiêu cho phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Phải làm sao để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng cũng làm sao để đảm bảo khả năng tiếp cận đại học của người học. Thực tế đã có trường đại học rơi vào tình huống học phí cao quá nên người học ngay lập tức quay lưng, dẫn đến điểm đầu vào thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nếu các trường tự chủ đưa ra mức học phí cao quá so với khả năng của nhiều người học thì sẽ có hiện tượng sinh viên chạy sang các trường khác, hoặc rẽ sang học nghề.

Tất nhiên, chúng ta không thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp được. Vì vậy, chiến lược lâu dài của các trường đại học một mặt phải tăng học phí theo lộ trình, không nên tăng quá cao, quá đột ngột trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn; mặt khác phải tính đến phát triển bền vững về thu hút sinh viên, có nhiều chương trình đào tạo để sinh viên có nhiều lựa chọn theo mức học phí khác nhau, đi kèm là các chính sách cho sinh viên vay để học đại học. Đặc biệt, các trường không thể trông mong vào nguồn học phí mà chắc chắn phải đầu tư nhiều vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút nguồn lực ngoài học phí.

Duy Anh