Không thể chủ quan

- Thứ Năm, 23/09/2021, 17:05 - Chia sẻ
Sau 57 ngày phải bó gối trong nhà, rất nhiều người dân Hà Nội đã hoan hỉ khi thành phố ban hành Chỉ thị 22 nhằm nới lỏng các điều kiện phòng chống dịch. Tất cả đều mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, người lớn được đi làm, trẻ em được đi học, các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ được khôi phục… Nhưng để có được những điều đó thì không thể có chỗ cho thái độ chủ quan trước dịch bệnh.

Có thể hiểu được tâm lý “muốn ra đường” sau thời gian giãn cách khá dài khiến cho nhịp sống chậm lại, nhưng nới lỏng giãn cách không có nghĩa là đã được an toàn. Dịch Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá dịch bệnh tại Hà Nội vẫn lai rai, xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch mới, không thể hết F0 dù đã xét nghiệm diện rộng. 

Vậy mà mới đây, ngay đêm Trung thu, cả nước đã phải chứng kiến một Hà Nội với biển người chen lấn đổ về trung tâm thành phố và các khu vực công cộng, trong đó không ít gia đình đưa theo cả con nhỏ - đối tượng chưa được tiêm chủng. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ về nỗi lo về tư tưởng chủ quan của một số cơ quan, người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ vẫn rất cao. Rất tiếc, đã ngay lập tức hiển hiện tối 21.9. Thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân thủ đô bị thách thức rất lớn trước sự việc trên.

Dẫu hiện nay thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thủ đô vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2. Và kể cả khi đạt được những yêu câu trên thì chúng ta vẫn buộc phải lựa chọn cách sống chung với dịch an toàn, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Nếu chủ quan, lơ là phòng chống, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Hình ảnh người dân TP. Hồ Chí Minh oằn mình chống dịch, 1.500 đứa trẻ mồi côi vì Covid-19, có hơn 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 8 tháng nay, hơn 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức…Chỉ nhìn con số đó thôi cũng đủ vẽ lên bức tranh xã hội ảm đảm đến mức nào. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài, không làm được việc lớn, mỗi người dân chỉ cần ý thức hơn trong việc bảo vệ chính mình, gia đình mình, đó cũng là cách chúng ta góp sức cùng xã hội sớm đẩy lùi dịch covid-19, để nhịp thở cuộc sống trở về trạng thái bình thường. 

Để "vùng xanh" không trở lại thành "vùng đỏ", "vùng cam" không chỉ là trách nhiệm, biện pháp phòng chống dịch của chính quyền hay cơ quan chuyên môn mà quan trọng hơn hết là ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân. Không thể chủ quan cho rằng mình đang ở "vùng xanh" hay đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 mà lơ là, không tuân thủ các nguyên tắc như 5K. Chúng ta đang tìm cách thích ứng để “sống chung với dịch” nên không thể chủ quan “liều mình với dịch”, vũ khí tốt nhất để chống lại nó là ý thức tuân thủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh rằng, một đồng bỏ ra phòng dịch sẽ hiệu quả hơn gấp trăm lần bỏ ra chống dịch. Trong đêm Trung thu vừa qua, chẳng may có một F0 trong đám đông ấy, rất có thể sau đó sẽ phát sinh ra nhiều ổ dịch mới. Lúc ấy, vấn đề không chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc, mà còn là vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Vậy nên, mỗi cá nhân hãy tự ý thức để biết trân trọng thành quả mà phải rất khó khăn Hà Nội mới có được.

Duy Anh