Không thể vì “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chương trình lớn

- Thứ Năm, 11/11/2021, 11:13 - Chia sẻ
Chất vấn từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá bước đầu về ưu điểm và hạn chế của chương trình học theo bộ sách giáo khoa mới đối với lớp 1, 2 và 6.
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh chất vấn từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Phương)
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh chất vấn từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Phương)

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, về sách giáo khoa mới, chúng ta được nghe nói và biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về “sỏi và sạn”, vì cứ có “1 viên sạn” thì mạng xã hội nói rất nhiều, nhưng trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến. Vậy, liệu có công bằng?, Bộ trưởng nêu vấn đề. 

Bộ trưởng cho biết, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng kết đánh giá 1 năm triển khai thực hiện bộ sách giáo khoa mới; phối hợp với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục tổ chức hội nghị đánh giá cho thấy, ý kiến của các cô giáo trực tiếp dạy lớp 1 phản ánh với các sách giáo khoa mới được thiết kế theo chương trình năm 2018, sách giáo khoa là công cụ để các cô giáo chủ động hơn, các con cũng hứng thú trong lớp học hơn. Điều này cho thấy, chủ trương với chương trình sách giáo khoa 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát huy năng lực học sinh là hướng đi đúng. Đồng thời, Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 – 2020 đã đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông. Ngoài ra, qua đánh giá cũng cho thấy, học sinh lớp 1 chủ động hơn khả năng đọc viết, năng động hơn.

"Tuy nhiên, để đánh được cả chương trình phổ thông chỉ qua lớp 1 thì chưa nói được nhiều, song đây là dữ liệu để chúng ta quyết tâm thực hiện đổi mới, không thể vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chương trình lớn", Bộ trưởng nói. 

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để bảo đảm kết quả kiểm tra thực chất và công bằng giữa các bài thi của học sinh theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, các thầy cô giáo đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Song, thực tế vừa qua phát sinh một số trường hợp cụ thể. Để khắc phục, Bộ tiếp tục có hướng dẫn cụ thể và điều chỉnh, cũng như thường xuyên giao ban với các Sở để có những chỉ đạo kịp thời.

Đối với câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh về việc Bộ có phương án đưa chương trình học về ứng xử trên mạng xã hội vào môn học Giáo dục công dân hay không, hay chỉ là những tiết chuyên đề khi hiện nay ứng xử trên mạng xã hội phát sinh nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng lớn đến giới trẻ? Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, việc dạy ứng xử trên mạng xã hội là một vấn đề quan trọng nhưng để đưa vào một môn học chính thức, với tư cách là Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cần lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia.

Nhật Phương