Không thể “nhờn” quy định phòng, chống dịch

- Thứ Năm, 05/08/2021, 17:06 - Chia sẻ
Sau vụ việc chơi golf giữa mùa dịch xảy ra ở Bình Định, đã có những cá nhân bị xử lý tạm đình chỉ công tác có thời hạn vì vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong khi tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, với những trường hợp “trên bảo, dưới không nghe” này, cần xử lý mạnh tay hơn để răn đe.

Cả nước đang gồng mình chống dịch, nhiều tỉnh thành áp dụng biện pháp phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bởi việc thực hiện giãn cách xã hội. Mới đây nhất, ngày 31.7, Thủ tướng đã ra công điện về việc phòng, chống dịch Covid-19, thì việc 4 người ở Bình Định vẫn bất chấp yêu cầu phòng, chống dịch đi chơi golf và nghiêm trọng hơn, cả 4 ngời này đều tiếp xúc gần với F0 ở sân golf.

Trước tình hình dịch, ngày 31.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã ký Chỉ thị 14 thực hiện giãn cách toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg trong 15 ngày kể từ 6h00 ngày 1.8.2021 trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ thị này nêu rõ, trong những ngày gần đây trong tỉnh liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới từ các tỉnh phía Nam về và ngoài cộng đồng, trong đó có nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Các tổ COVID-19 cộng đồng tham gia giám sát người về từ vùng dịch và người khu vực phong tỏa.
Các tổ Covid-19 cộng đồng ở Bình Định tham gia giám sát người về từ vùng dịch và người khu vực phong tỏa. Nguồn: vov.vn

Theo đó, Chủ tịch yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể Nhân dân trong tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là mục tiêu tối thượng với quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng cường các biện pháp để phát hiện sớm nguồn lây, điều tra, truy vết, khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, xét nghiệm thần tốc, cách ly phù hợp, dập dịch triệt để. Chỉ thị này cũng nêu rõ, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 15 người trong một phòng; không tụ tập từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Chỉ thị của UBND tỉnh ký vừa “ráo” mực thì các cá nhân như ông Nguyễn Văn Dũng Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định Nguyễn Công Thành, ông Lê Văn Thảo (Công ty Cổ phần Phú Tài) là đảng viên, ông Nguyễn Hữu Lộc là doanh nhân, đảng viên, đây là những cán bộ, đảng viên lẽ ra phải gương mẫu tuân thủ thì vẫn cố tình vi phạm quy định. Hành vi của cán cán bộ, đảng viên này không chỉ là coi thường các quy định về phòng, chống dịch mà còn vi phạm về nêu gương của cán bộ lãnh đạo.

Với những vi phạm của các cá nhân này, cơ quan, địa phương đã vào cuộc kịp thời để xử lý. Trước đó, ngày 4.8, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế đã ký Quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Công Thành để xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Và trong sáng nay, 5.8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã ký Quyết định số về việc tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Nguyễn Văn Dũng. Còn các trường hợp vi phạm còn lại, Tỉnh ủy Bình Định và Thành ủy thành phố Quy Nhơn sẽ xem xét, có hình thức xử lý đúng quy định.

Tính đến tối 4.8, tỉnh Bình Định đã có 259 ca mắc Covid-19, trong đó nhiều trường hợp phát hiện trong khu cách ly tập trung, là người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch.

Sự vào cuộc xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm của các cơ quan, địa phương rất kịp thời, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chỉ thị của Thủ tướng đã có, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhưng các cán bộ, doanh nhân này vẫn coi thường quy định cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn. Bởi lẽ, việc phớt lờ các quy định phòng chống dịch của những cán bộ, doanh nhân này ngoài vi phạm nêu gương, tác phong cán bộ, còn tiềm ẩn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Do đó, đối với cán bộ lãnh đạo vi phạm phòng chống dịch, việc xem xét điều chuyển vị trí công tác, hay cách chức cũng cần được tính đến.

Xử lý nghiêm minh, chế tài đủ mạnh, đủ rức răn đe đối với cán bộ thì mới chấm dứt được tình trạng “nhờn” tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Song Hà