Khớp nối các chương trình mục tiêu quốc gia

- Thứ Hai, 05/07/2021, 05:46 - Chia sẻ
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo bền vững, phát triển ổn định, tại phiên họp của Thường trực Hội đồng Dân tộc vừa qua, một số ý kiến đề nghị, phải "khớp nối", lồng ghép, tích hợp cả nguồn lực và chính sách của ba chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Trong đó ngân sách nhà nước là chủ đạo, chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Hoàng Ngọc

Còn nhiều khó khăn, thách thức

​Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Để chuẩn bị cho nội dung này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cung cấp thêm những góc nhìn, tiếng nói của vùng dân tộc thiểu số và miền núi vào "bức tranh" kinh tế, xã hội chung của cả nước. 

Với 65 trang báo cáo chính thức, chưa kể phụ lục, Ủy ban Dân tộc đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 6 tháng đầu năm nay, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2026. Mặc dù vậy, việc tổng hợp số liệu từ các bộ, ngành có liên quan phụ trách lĩnh vực dân tộc còn thiếu, nên Báo cáo của Ủy ban Dân tộc được một số thành viên Hội đồng Dân tộc nhận xét là còn chung chung, chưa thật đậm nét và thiếu những số liệu chứng minh cụ thể. 

Theo Thường trực Hội đồng Dân tộc, bối cảnh năm 2021 rất đặc biệt. Đây là năm đầu tiên, chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với bộ máy lãnh đạo sẽ được kiện toàn tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, chắc chắn sẽ có nhiều kỳ vọng đối với các chính sách phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Năm 2021, cũng là năm nước ta tiếp tục chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, Báo cáo của Ủy ban Dân tộc lại đang thiếu đánh giá tác động về những khó khăn, thách thức của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải đối mặt, đơn cử như tỷ lệ lao động mất việc làm gia tăng, đặc biệt là ở khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của đồng bào.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết thêm, năm 2021 có nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã kết thúc và chuyển giao cho giai đoạn mới. Tiếc rằng, Báo cáo của Ủy Dân tộc chưa đánh giá việc dừng thi hành chính sách, chưa triển khai chính sách mới sẽ có tác động như thế nào đối với đời sống của đồng bào, chưa nói đây còn là “tác động kép”, khi cộng cả ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quan tâm đến vấn đề khai thác và phát triển rừng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Thị Lan nêu rõ, 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo sản lượng gỗ khai thác tăng 6,8%, diện tích trồng rừng tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Song rừng bị thiệt hại đến tháng 5.2021 là 592,7ha, tăng 5,5%; rừng bị cháy là 165,7ha; rừng bị phá là 427ha, tăng 30,7%. Những số liệu này minh chứng, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng vẫn là vấn đề cốt lõi, cần được Chính phủ dành sự quan tâm tương xứng trong phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời Ủy ban Dân tộc cần đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. 

Lồng ghép, tích hợp nguồn lực

Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đồng bào thoát nghèo bền vững luôn là mục tiêu hướng đến. Thế nhưng, một trong những chính sách sát sườn nhất với đồng bào là Nghị định 75/2015/NĐ - CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Bà Đỗ Thị Lan cho biết, thậm chí có nhiều địa phương còn chưa triển khai Nghị định 75 của Chính phủ, chưa có giải pháp giúp đồng bào sống bằng nghề rừng. Vậy thì ở đây, có câu chuyện thiếu trách nhiệm hay không? - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đặt câu hỏi. 

Về chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020; giảm bình quân trong 5 năm là 1,43%. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận nghèo đa chiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, trong Báo cáo thừa nhận sự bất cập như kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng (tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo khu vực này trên số hộ nghèo cả nước năm 2015 là 45,2%; năm 2016 là: 48,2%; năm 2017: 52, 6%; năm 2018: 55,2%), nguy cơ tái nghèo cao, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Trước thực tế này, bà Đỗ Thị Lan cho rằng, giai đoạn tới đây, phải ưu tiên bố trí vốn cho phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, phải lồng ghép, tích hợp cả nguồn lực và chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia: chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình nông thôn mới; chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Trong đó, ngân sách nhà nước là chủ đạo, chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhấn mạnh “nhiều tiêu chí không thể xác định đã trùng ở chương trình này thì bỏ ở chương trình kia”, phải thực sự tổng hợp nguồn lực thì mới giúp giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị, phải khớp nối ba chương trình mục tiêu quốc gia, thay vì cách làm và quản lý rời rạc. Ví dụ, những nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp phải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bao quát hết cả vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bằng, chứ không phải cùng nội dung này, trong chương trình mục tiêu quốc gia này giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia khác lại giao Ủy ban Dân tộc phụ trách.

Hệ thống chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ

Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chương trình, chính sách, từ các chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn có chính sách chung ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung các chính sách giai đoạn này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục, đào tạo; văn hóa; hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát.

Bên cạnh những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã quan tâm, ban hành chính sách riêng sử dụng ngân sách địa phương. Đã có hơn 40 tỉnh, thành phố ban hành chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, đạt bình quân 7% và tăng dần hằng năm. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm: bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2 - 3%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm trở lên. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng quy mô còn nhỏ, xuất phát điểm thấp nên tỷ trọng trong GDP tương đối thấp, chất lượng tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư…

Bên cạnh đó, một số vấn đề bức thiết trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy được cải thiện nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn.

Hệ thống chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối về nội dung và nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và ban hành văn bản chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa tính đến đặc điểm địa bàn, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, nên vẫn còn nội dung chưa thực sự phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển bền vững theo đặc thù của vùng, bảo vệ môi trường sinh thái và văn hóa của đồng bào dân tộc. Đôi khi chính sách ban hành không kịp thích ứng với xu thế thay đổi của xã hội và chậm được sửa đổi. Cơ chế thực hiện chính sách còn có những bất cập trong phân bổ, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách; chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi trong lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi... Đây là những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, điều chỉnh trong hệ thống chính sách giai đoạn tới.

H.Ngọc

H.Ngọc