Khuyến công An Giang tập trung hỗ trợ "kép"

- Thứ Ba, 17/08/2021, 06:34 - Chia sẻ
Thông qua hoạt động khuyến công, tỉnh An Giang đã tiếp sức cho nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới dây chuyền thiết bị, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm. Giai đoạn tới, tỉnh sẽ chú trọng hỗ trợ “kép” - vừa mở rộng sản xuất, vừa phát triển thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Được khuyến công An Giang hỗ trợ, nhiều trại rau sạch đã nâng cao khả năng sản xuất
Nguồn: ITN

Tạo động lực mới

Năm 2020, Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương tỉnh An Giang) hỗ trợ 19 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí gần 4,5 tỷ đồng.

Đáng ghi nhận là việc triển khai đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến gạo. Theo đó, An Giang có 4 cơ sở được hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để đầu tư máy phân loại (tách màu) gạo hiện đại. Năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Sở Công thương An Giang hỗ trợ thêm 900 triệu đồng giúp 3 cơ sở trang bị máy móc tiên tiến để chế biến gạo. Đến nay, cả 7 cơ sở này đều hoạt động ổn định, sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh ngoài. 

Năm qua, có 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn của An Giang đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và 1 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực phía Nam (tinh dầu chúc Yến Hương của Công ty TNHH Yến Hương VINA). Để tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến các địa phương trong nước, ngành công thương An Giang đã tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại; thông tin về các hội chợ trong cả nước để các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh biết và tham gia. Tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tại Tiền Giang, Cần Thơ, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước.

Hỗ trợ “kép” 

Theo Sở Công thương An Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 cơ sở công nghiệp nông thôn, hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do kinh phí khuyến công hạn chế nên  số lượng đơn vị được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đổi mới máy móc, thiết bị còn rất ít. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác khuyến công không ổn định, chưa bảo đảm yêu cầu về trình độ chuyên môn; lực lượng cộng tác viên khuyến công cấp xã rất mỏng... gây khó khăn trong việc khảo sát, xây dựng, triển khai các đề án.

Để tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, chương trình khuyến công của An Giang tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ: Phát triển sản phẩm; liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; tư vấn thông tin - truyền thông.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Công thương chú trọng việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương phù hợp quy định của pháp luật có liên quan; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình khuyến công của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện của địa phương và bối cảnh tình hình mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm khuyến công tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, của địa phương; đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ, chuyển đổi số.

Về phía tỉnh sẽ tăng cường ngân sách và lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu trên địa bàn để tăng hiệu quả cho hoạt động khuyến công. Đồng thời, khuyến khích huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; chú trọng hỗ trợ “kép” - vừa mở rộng sản xuất, vừa phát triển thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Vũ Châu