Khuyến công Yên Bái hướng vào thúc đẩy khởi nghiệp

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:04 - Chia sẻ
Chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích hỗ trợ sản xuất sạch hơn; và hướng các hoạt động khuyến công vào việc thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, công nghiệp nông thôn.

Thu hút 192 tỷ đồng vốn đối ứng

Hợp tác xã (HTX) quế, hồi xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích 90ha, sản lượng thu mua bình quân 70 - 100 tấn quế/tháng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến ngày càng tăng, HTX đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ công suất 80 - 100 tấn quế tươi/tháng, vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bá Mão, quản lý HTX chia sẻ, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công từ những ngày đầu về máy móc, kỹ thuật đã giúp hợp tác xã nên đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá quế giữ mức ổn định 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 15 - 20% so với trước. Đến nay, hợp tác xã đã xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Thái Lan, Trung Quốc…    

Các chương trình khuyến công ở Yên Bái giúp tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động Nguồn: ITN
Các chương trình khuyến công ở Yên Bái giúp tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động
Nguồn: ITN

Tương tự, năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cũng được thụ hưởng vốn khuyến công hỗ trợ 115 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị chế biến chè xanh. Nhờ đó, HTX đã tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Doanh thu năm 2020 đạt trên 350 triệu đồng.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Yên Bái, hoạt động khuyến công trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2020 có nhiều kết quả tích cực. Với 27,6 tỷ đồng kinh phí khuyến công, tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến chè, quế, tinh dầu quế, gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng… Nguồn kinh phí này thu hút tới hơn 192 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh.  

Không dừng lại ở hỗ trợ máy móc, năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối nước ngoài như Lotte, Walmart, Aeon…

Đặt mục tiêu hỗ trợ trên 400 doanh nghiệp

Chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công; khuyến khích hỗ trợ sản xuất sạch hơn; và hướng các hoạt động khuyến công vào việc thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, công nghiệp nông thôn.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến là 50 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 32 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ phấn đấu hỗ trợ trên 400 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Cùng với đó, hỗ trợ trên 75 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ; hỗ trợ đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa 4 hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường ở cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Chương trình cũng đặt mục tiêu hỗ trợ trên 700 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ 2 cụm công nghiệp trở lên...

Phó Giám đốc Sở Công thương Phạm Trung Lân cho biết, Yên Bái là tỉnh miền núi nên số làng nghề và cơ sở công nghiệp nông thôn còn ít. Bên cạnh đó, hiện chưa có đề án khuyến công điểm, số lượng đề án có quy mô lớn, sức ảnh hưởng trong cộng đồng chưa nhiều. Ông đề nghị Cục Công thương địa phương tham mưu đề xuất với Bộ Công thương giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp cho các tỉnh miền núi do điều kiện chậm phát triển. Về phía địa phương sẽ triển khai sâu rộng, có hiệu quả hơn nữa các hoạt động khuyến công.

Hạnh Nhung