Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh:

Khuyến khích địa phương hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện

- Thứ Tư, 27/10/2021, 21:21 - Chia sẻ
Chiều 27.10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13.

Tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho rằng: Trong những năm qua, chính sách BHXH, BHYT của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số điểm, cụ thể như sau:

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia phát biểu
ĐBQH Trần Đình Gia phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh

Về tình hình thực hiện chính sách BHXH, đại biểu đề nghị nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện để đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra. Đồng thời, khuyến khích các địa phương có cơ chế hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện. Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh thêm 20% mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn, tương đương 30.800 đồng/tháng (Đối với người thuộc hộ nghèo bằng 50% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, hộ cận nghèo bằng 45% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, các đối tượng khác bằng 30% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn) (Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND ngày 15.12.2019 Quy định chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025). Vì vậy đến nay, số người hiện đang tham gia BHXH tự nguyện là 37.500 người, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước đó (từ 2008 đến 12.2019) là 12.622 người.

Bên cạnh đó, hiện nay, số lượng người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài khá cao (riêng Hà Tĩnh hơn 74.000 người). Ngoài số lao động đã tham gia BHXH bắt buộc tại một số nước thì phần lớn chưa tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan để sớm thực hiện nội dung “người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc” theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 2, Luật BHXH năm 2014. Đồng thời đề nghị xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu về tính toán độ bao phủ phù hợp thực tế.

Toàn cảnh phiên thảo luận điểm cầu Hà Tĩnh
Toàn cảnh phiên thảo luận điểm cầu Hà Tĩnh

Về thực hiện chính sách BHYT, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng: Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhưng không có học bổng Ngân sách Nhà nước Việt Nam thì không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT tại Việt Nam. Do đó khi đối tượng này ốm đau sẽ khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh và hạn chế việc thu hút du học sinh nước ngoài sang Việt Nam học tập. Vì vậy, đề nghị bổ sung đối tượng này vào nhóm bắt buộc tham gia BHYT tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ. Đề nghị Bộ Y tế kịp thời hướng dẫn về cách tính chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh tăng/giảm của năm quyết toán so với năm trước liền kề theo quy định tại Điều 24 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP và hướng dẫn phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo nhóm chẩn đoán.

Đồng thời cần có giải pháp xử lý kịp thời các khoản chi phí khám chữa bệnh vượt trần những năm 2020 về trước, tạo điều kiện cho các cơ sở khám bệnh hoạt động và cần có chiến lược đào tạo thẩm định viên đáp ứng yêu cầu hiện nay

Diệp Anh - Q. Đức