Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:56 - Chia sẻ
Bên cạnh tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ, tỉnh Đồng Nai còn là một trong những địa phương hàng đầu cả nước về lĩnh vực nông nghiệp, điều đó tạo điều kiện cho các mô hình khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi phát và đi đến thành công.

Doanh nghiệp phải tính toán chiến lược lâu dài

Trong 10 năm qua, Chính Phủ đã ban hành 25 nghị định, quyết định kèm theo 13 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, Đồng Nai đã triển khai 16 chính sách, đề án hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, đến nay tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp đạt trên 63 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 27% dư nợ cho vay nền kinh tế toàn tỉnh.

Tỉnh hiện có 115 chuỗi liên kết với giá trị đạt hơn 40% tổng giá trị sản phẩm ngành công nghiệp và 17 dự án liên kết sản xuất được phê duyệt với tổng diện tích trên 5.300ha. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; chính sách về nông nghiệp hữu cơ, khuyến nông, khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề nông thôn.

Triển khai và thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Đồng Nai cũng từng bước đạt được nhiều kết quả. Nghị định lớn đã cụ thể hóa nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng được hưởng lợi từ các chính sách này gần như đầy đủ từ người nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác cho đến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Công ty Thực phẩm G.C (G.C Food) được biết tới là một nhà sản xuất sản phẩm nha đam lớn nhất Việt Nam - một trong những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thành công tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai. Thành lập năm 2011 với việc sản xuất, bán buôn các sản phẩm từ nông sản như nha đam, dừa, nho, táo, dưa lưới... G.C Food hiện có 2 nhà máy, một tại khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom và một tại khu công nghiệp Thành Hải, tỉnh Ninh Thuận cùng hệ thống trang trại của mình. Ngoài các khách hàng lớn trong nước như Vinamilk, NutiFood, TH True Milk... thì G.C Food đã xuất sản phẩm sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ.

Giám đốc G.C Food Nguyễn Văn Thứ cho biết mục tiêu lớn mà doanh nghiệp hướng tới là nâng tầm giá trị cho nông sản Việt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu cao của các thị trường quốc tế khó tính. Để có được thành công như hiện tại, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, nhất là thời điểm đầu khi thuyết phục người nông dân tin và làm theo. Thời gian đầu, nông dân từ chối cung cấp hàng cho G.C Food vì chê thu mua ít mà đòi hỏi nhiều, nhưng với sự kiên trì và những minh chứng bằng thực tế, ông Thứ cùng các cộng sự đã phải đến tận nơi hướng dẫn cho bà con cách trồng và chăm sóc mới theo quy trình VietGAP, ít bón phân và không phun thuốc nhưng vẫn đạt năng suất cao.

Cũng theo ông Thứ, để có thể phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải tính toán chiến lược lâu dài. Trong đó, uy tín và chất lượng sản phẩm là cốt lõi. Sản phẩm nông nghiệp Việt chất lượng cao, đẳng cấp khi đã vào được các thị trường tiên tiến trên sẽ dễ dàng hơn khi xuất qua những nước khác. Doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu nên mở rộng thị trường ra nhiều nước để khi gặp khó ở thị trường này có thể đẩy mạnh xuất khẩu ở thị trường khác để bù lại. “Muốn vươn ra biển lớn, các doanh nghiệp phải liên kết sản xuất mới đủ sức đáp ứng các đơn hàng có quy mô”, ông Thứ khẳng định.

Không đi theo hướng đầu tư vào sản xuất nhưng bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (HTX Xuân Định, huyện Xuân Lộc) lại ấp ủ mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lớn cho mặt hàng trái cây địa phương. Năm 2014, bà Nga tiếp quản HTX Xuân Định đang hoạt động không hiệu quả. Năm 2016, dự án Cánh đồng lớn cây sầu riêng xã Xuân Định với diện tích 56,5ha do HTX Xuân Định làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Năm 2017, diện tích sầu riêng trên được cấp chứng nhận VietGAP. HTX đã thành lập được tổ dịch vụ vật tư nông nghiệp nhằm cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá tốt cho xã viên. Các xã viên tham gia dự án được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng VietGAP, được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp theo chính sách cánh đồng mẫu lớn...

Bà Nga cho biết, chúng tôi không ngại khó khăn học tập kinh nghiệm từ các HTX khác làm ăn hiệu quả; bỏ công, bỏ của tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại. Chúng tôi mong muốn được quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Xuân Định, trong đó có đặc sản trái sầu riêng. Tương tự, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp khác của tỉnh Đồng Nai cũng đã và đang dấn thân vào đầu tư cho vùng nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói, việc xác định “đường dài” trong nông nghiệp là quá trình rất khó khăn nhưng khi gặt hái được quả ngọt thì sẽ bền vững.

Đồng Nai là một trong những địa phương hàng đầu cả nước về lĩnh vực nông nghiệp
Nguồn: ITN 

Chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Mười, Đồng Nai là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, phát triển các dịch vụ kinh tế liên quan đến nông nghiệp. Đồng Nai hiện có trên 1,7 nghìn trang trại, nhìn chung, hoạt động của các trang trại có hiệu quả cao, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn hạn chế do phần lớn trang trại là hộ gia đình. Trong khi đó, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị cho nông sản là bài toán dài hơi.

Trên thực tế, với các doanh nghiệp nông nghiệp đang bắt đầu khởi nghiệp hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, sự hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa kịp thời, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là thiếu thông tin kết nối giữa doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp. Nhiều mô hình khởi nghiệp đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao, mới chỉ áp dụng những thứ có sẵn xung quanh, tạo lợi thế ban đầu, chưa thiết lập được kênh phân phối, chưa xây dựng được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Các doanh nghiệp cho biết, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành nông nghiệp tuy không thiếu nhưng thường vẫn còn độ “chênh” đáng kể khi áp dụng vào thực tế nên hiệu quả chưa như mong muốn. Trong đó, vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp cũng khiến nhiều doanh nghiệp e dè khi tiếp cận.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia, ông Hồ Quốc Thái cho hay doanh nghiệp của ông đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP. Long Khánh và huyện Nhơn Trạch, cần số vốn đầu tư rất lớn. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất tốt với doanh nghiệp, tuy nguồn vốn hỗ trợ chỉ chiếm rất nhỏ song cũng động viên doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn là từ chính sách đi đến thực tế còn xa vời. Thực tế, việc hướng dẫn doanh nghiệp trong việc tìm hiểu chính sách, làm hồ sơ thủ tục chưa thực sự được quan tâm.

Trước thực tế đó, để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Đồng Nai gần đây đã có những động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, tỉnh đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp với Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025 với nhiều nội dung như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng lao động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế, hỗ trợ về các vấn đề pháp lý cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Những tiếp cận mới này từ phía địa phương được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút, thúc đẩy ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khởi nghiệp nông nghiệp tại tỉnh.

Thảo Anh