Khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn

- Thứ Hai, 30/08/2021, 07:10 - Chia sẻ
Theo dự thảo thông tư Bộ Tài chính đang xây dựng, từ ngày 1.7.2022, máy tính tiền của các quán ăn, cà phê, nhà hàng, khách sạn… sẽ kết nối và chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Các chuyên gia cho rằng, điều này tạo công bằng, minh bạch trong việc nộp thuế giữa các cơ sở kinh doanh và hạn chế trốn thuế. Để triển khai hiệu quả, trước hết cần khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Giảm thất thu thuế   

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ. Dự thảo này quy định: Các tổ chức, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) hoạt động trong lĩnh vực như trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, đại lý bán lẻ, nhà thuốc… sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.

Máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ, hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử.

Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin thì sử dụng hóa đơn giấy, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Theo Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC Nguyễn Văn Thức, đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều nước đã áp dụng từ lâu. Quy định này buộc đơn vị kinh doanh phải kê khai thuế đúng và đủ, qua đó, giúp nhà nước tránh thất thu thuế.

Ở nước ta, từ tháng 9.2019, cơ quan thuế đã thí điểm chương trình kết nối với máy tính tiền của một số đơn vị kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn quốc sẽ tạo sự công bằng, minh bạch trong việc nộp thuế giữa các cơ sở kinh doanh; đồng thời hạn chế tình trạng trốn thuế. Theo ông, hiện vẫn còn một số nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… chưa kê khai và đóng thuế đầy đủ. Có những loại thuế cần phải có dữ liệu chính xác để tính thuế cho các doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng (VAT) và doanh thu của nhà hàng cũng là cơ sở để cơ quan quản lý tính mức nộp thuế.

Phải liên kết với ngân hàng

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng giai đoạn đầu triển khai có thể gặp khó khăn. Hiện nay, người dân khi mua bán ở siêu thị hoặc đơn vị bán lẻ, nhà hàng vẫn thường thanh toán bằng tiền mặt. Nếu đơn vị bán lẻ không nhập dữ liệu đó vào máy tính kết nối với cơ quan thuế thì cơ quan thuế không thể kiểm soát được. Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng lộ thông tin, bị đánh cắp dữ liệu và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC Nguyễn Văn Thức cho rằng, để việc triển khai hóa đơn điện tử và liên kết dữ liệu đạt hiệu quả cao, trước hết cần khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn. Ở giai đoạn đầu có thể triển khai theo hướng: mỗi hóa đơn từ một số tiền nhất định trở lên thì có thể đổi được một sản phẩm. Trong trường hợp đã xuất hóa đơn thì các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng đó bắt buộc phải kê khai thuế. Đồng thời, lấy hóa đơn mua hàng đó của người tiêu dùng khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, vừa hỗ trợ người tiêu dùng vừa truy thu thuế được đầy đủ. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khách hàng còn sử dụng tiền mặt thì còn kẽ hở để trốn thuế dù có triển khai các công nghệ kết nối dữ liệu. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng, khi khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, cơ quan thuế phải có sự liên kết với ngân hàng để có thể so sánh giữa các dữ liệu với nhau. “Phải tiến tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt mới tránh được thất thoát thuế ở mức cao nhất”. Thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc phát triển hệ sinh thái không tiền mặt như ví điện tử, thẻ ngân hàng, thanh toán qua mã QR và tới đây là tiền di động (mobile money). Ông Hiếu cho rằng, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích họ sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử.

Minh Trang