Tiêm vaccine Covid-19

Khuyến khích và bắt buộc

- Thứ Hai, 09/08/2021, 05:41 - Chia sẻ
Một trong những cách mà các chính phủ thế giới đang áp dụng để đẩy lùi đại dịch Covid-19 là đẩy mạnh tiêm chủng diện rộng. Trong khi một số nước đưa ra các khuyến khích để công dân tiêm ngừa thì một số nước khác đã luật hóa coi đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả người lớn hoặc một số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Châu Á: Những biện pháp nghiêm ngặt

Ở châu Á, hôm 7.7, Turkmenistan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức luật hóa việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả công dân trên 18 tuổi. Chỉ những người có chống chỉ định y tế là được miễn. Tính đến nay, việc tiêm vaccine là nghĩa vụ toàn dân ở ba quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Turkmenistan, Tajikistan và Vatican.

Có thể nói, luật vaccine của Turkmenistan được đánh giá là nghiêm nhất thế giới, vượt qua Ảrập Xêút với chính sách mở rộng “no jab, no job” (không tiêm, không có việc) ở cả khu vực công và tư. Vào tháng 5, Ảrập Xêút yêu cầu tất cả người lao động muốn đến nơi làm việc phải tiêm vaccine, nhưng không nêu rõ thời điểm thực hiện. Công dân nước này cũng sẽ phải tiêm phòng khi vào bất kỳ cơ sở chính phủ, tư nhân hoặc cơ sở giáo dục nào và sử dụng phương tiện giao thông công cộng kể từ ngày 1.8.

Kazakhstan thì yêu cầu tất cả người sử dụng lao động từ nhiều ngành - bao gồm vận tải, bán lẻ, ngân hàng và truyền thông - phải tiêm phòng cho người lao động của họ kể từ ngày 2.7. Kể từ giữa tháng 6, Kazakhstan cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giải trí phải bảo đảm rằng 60% nhân viên được tiêm chủng.

Còn Indonesia đã bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 2, thậm chí tại Thủ đô Jakarta, người nào từ chối có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu rupiah (357 USD).

Nguồn: ITN 

Châu Âu: Quy trách nhiệm cho mỗi cá nhân

Ngày 23.7 vừa qua, Quốc hội Hy Lạp thông qua một số sửa đổi liên quan đến dự kiến tiêm chủng bắt buộc cho tất cả nhân viên khu vực tư nhân và nhà nước trong các cơ sở y tế và chăm sóc người cao tuổi, các bệnh viện cũng như cho nhân viên cứu thương và điều dưỡng từ ngày 1.9. Những ai không tuân thủ có thể bị đình chỉ việc làm mà không được trả lương. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tất cả nhân viên phải cung cấp bằng chứng về việc tiêm phòng hoặc phục hồi sức khỏe, nếu không muốn bị sa thải trong khi người sử dụng lao động phải đối mặt với tiền phạt. Ngoài quy định đối với các nhân viên y tế, chỉ những khách hàng đã tiêm vaccine mới được phép vào các quán bar, rạp chiếu phim, nhà hát và các không gian đóng khác.

Chính phủ Pháp cho biết cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội một đạo luật bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với nhân viên y tế. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định: “Đó là câu hỏi về trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiêm vaccine bắt buộc hàng ngày cho những ai tiếp xúc với những người mong manh nhất trong cộng đồng người Pháp”. Ngày 12.7, Tổng thống Pháp Macron giải thích, Chính phủ Pháp đang phấn đấu đạt được tỷ lệ tiêm vaccine 100% trên khắp cả nước. Ở đất nước chú gà trống Gaulois, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là bắt buộc đối với tất cả nhân viên y tế. Ông kêu gọi họ phải được tiêm chủng trước ngày 15.9, nếu không sau đó có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt hoặc tiền phạt tiền nặng.

Ngoài ra, bất cứ ai muốn tới rạp chiếu phim hoặc lên tàu sẽ cần phải đưa ra bằng chứng đã tiêm vaccine hoặc có kết quả âm tính. Người đứng đầu Điện Elyseé cho biết, tiêm chủng là “vấn đề trách nhiệm cá nhân nhưng cũng là vấn đề tự do của chúng ta”. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, những nhân viên y tế không được tiêm chủng sẽ không được nhận lương cũng như không được phép làm việc sau ngày 15.9. Ngoài ra, chiến dịch tiêm chủng cho học sinh trung học, trung học cơ sở và tiểu học sẽ bắt đầu khi các trường học bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 9.

Chính phủ Latvia hiện đang tiến hành thúc đẩy dự luật quy định việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên dịch vụ công, nhân viên y tế, nhân viên xã hội, giáo viên, cùng những người khác. Nó cũng sẽ cho phép các công ty tư nhân sa thải những nhân viên không có chứng chỉ tiêm chủng trước ngày 15.9. Tuy nhiên, các đảng đối lập tuyên bố sẽ chặn dự luật này.

Ở xứ sở Bạch Dương, việc tiêm phòng cho nhân viên khu vực dịch vụ là bắt buộc ở một số địa phương như Moscow. Thủ đô nước Nga đã hé lộ kế hoạch yêu cầu 60% người lao động ở tất cả khu vực dịch vụ được tiêm đầy đủ vaccine vào 15.8. Bên cạnh đó, theo Moscow Times, từ cuối tháng 6, các quán cà phê, bar và nhà hàng chỉ phục vụ những khách hàng đã được tiêm vaccine hoặc có kết quả âm tính.

Trong các động thái khác, một sắc lệnh của Chính phủ Italy vào tháng 3 đã bắt buộc tất cả các nhân viên y tế, kể cả các dược sĩ phải tiêm vaccine. Ai không chấp hành sẽ bị đình chỉ việc làm và không được trả lương cho thời gian còn lại của năm. Ở Ba Lan, tiêm vaccine là bắt buộc đối với những người có nguy cơ cao đối với Covid-19 từ tháng 8. Tương tự, Anh cũng bắt buộc các nhân viên chăm sóc y tế phải tiêm vaccine từ tháng 10 tới.  

Châu Đại Dương: Chú trọng người lao động

Hôm 9.7, Chính phủ Fiji cho biết, họ sẽ thực thi tiêm chủng cho tất cả người lao động. Thủ tướng của Fiji, Frank Bainimarama, cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình: “Không quan trọng nếu bạn là giám đốc điều hành của một công ty, hay nhà kinh doanh riêng lẻ hoặc chỉ là một người làm công ăn lương. Bạn phải được tiêm phòng để tiếp tục hoạt động nếu không doanh nghiệp đó sẽ có nguy cơ bị đóng cửa. Không tiêm, không việc làm - đây là điều mà khoa học đã cho chúng ta biết là an toàn nhất, đồng thời hiện là chính sách của chính phủ và được thực thi thông qua luật pháp”.

Trong khi đó, Australia vào cuối tháng 6 vừa qua đã biến việc tiêm ngừa Covid-19 là bắt buộc đối với những nhân viên chăm sóc người già và các nhân viên tại các khách sạn cách ly có nguy cơ cao. Các vận động viên tham gia Paralympic ở Tokyo cũng bắt buộc phải tiêm vì những thành viên trong đoàn chưa được tiêm có thể gây ra mối rủi ro lớn.

Linh Anh