Khuyến nông Hà Nội góp sức xây dựng nông thôn mới

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:37 - Chia sẻ
Thành công của chương trình xây dựng NTM Hà Nội có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, sự đóng góp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp Thủ đô. Nhờ vậy, mức thu nhập của người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Ngay sau khi Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, cả hệ thống chính trị của thành phố tập trung triển khai thực hiện tạo nhiều chuyển biến rõ nét. Cụ thể, các chính sách của Trung ương và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp đã được các cấp thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Điển hình là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất. Cơ quan chuyên môn cũng đã tích cực nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đáp ứng những yêu cầu thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp của chương trình đề ra.

Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy chia sẻ: “Cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách, thành phố đã tập trung tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp để phục vụ sản xuất, nhất là trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Đồng thời, chú trọng thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân”. Theo đó, toàn thành phố đã tổ chức 501 lớp tập huấn khuyến nông, triển khai 46 dạng mô hình tại 484 điểm với trên 16.143 hộ nông dân tham gia…

Nhằm tạo ra nguồn lực mạnh mẽ trong tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, Hà Nội đã rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.225 hợp tác xã nông nghiệp, phát huy tối đa lợi thế từ loại hình kinh tế tập thể này. Trong đó, hỗ trợ, khuyến khích phát triển thành lập mới 43 hợp tác xã chuyên ngành theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thủ đô đã thực hiện hiệu quả việc liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Điển hình là việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Hà Nội đã có 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ; 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ… Nhiều loại nông sản của Hà Nội đã chinh phục được các thị trường “khó tính” như nhãn chín muộn xuất sang châu Âu, hoa cúc xuất sang Nhật Bản...

Thành tựu nổi bật là Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyên canh, như: Vùng trồng cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao, theo hướng an toàn, hữu cơ với diện tích khoảng 4.300ha; 47 vùng sản xuất hoa chất lượng cao với diện tích 1.800ha; hơn 200 vùng sản xuất lúa chất lượng với diện tích 40.000ha; 60 vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn với diện tích 7.229ha; phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với trên 3.800 gia trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư… Xây dựng thành công 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hàng năm, căn cứ vào sự chỉ đạo của Sở NN - PTNT, trung tâm tiến hành xây dựng chương trình công tác bám sát vào mục tiêu, định hướng phát triển của ngành; các chương trình, mô hình chủ yếu là áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất an toàn theo VietGAP…

Những năm qua, Khuyến nông Hà Nội đã triển khai một số dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như mô hình rau, lúa hữu cơ và ban hành 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính, trên nguyên tắc không sử dụng chất hóa học tổng hợp, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gene… Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng đất và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong canh tác. đây chính là tiền đề tạo vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, HTX mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP, phát huy thế mạnh làng nghề của địa phương, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.

Với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng những mô hình điểm nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, thích ứng với các điều kiện canh tác... Khuyến nông Hà Nội đang từng bước, từng bước mang tới cho bà con nông dân những cách làm mới, cách làm hiệu quả, cách làm an toàn, đưa thu nhập của người dân từng bước nâng cao; chất lượng cuộc sống các vùng nông thôn trên địa bàn không ngừng cải thiện, đó chính là những đích đến của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Anh Hiến