Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII

Kịch bản cho “mục tiêu kép”

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 07:32 - Chia sẻ
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, chỉ rõ những nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Nhiều đại biểu cho rằng, tỉnh cần có chiến lược, xây dựng kịch bản cho "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế bền vững.
	Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ Ảnh: T. Hiếu
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Ảnh: T. Hiếu

Thẳng thắn nhận diện những hạn chế 

Có thể thấy, trong bối cảnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh Covid-19 đến thiên tai lũ lụt, song bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Giang vẫn có nhiều khởi sắc. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 6.286 tỷ đồng, tăng 3,81% so với cùng kỳ năm 2020; thu ngân sách nhà nước trên đạt 940,1 tỷ đồng, bằng 50,3% kế hoạch Trung ương giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 8,3%. Đặc biệt, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có tiến bộ, an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân được bảo đảm. Toàn tỉnh đã xây dựng, kiên cố 4.780 căn nhà cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn đánh giá, vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Hồng Yên nhấn mạnh: Tỉnh cần xây dựng chiến lược, kịch bản tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, đánh giá kỹ hơn về tác động của dịch bệnh đến từng lĩnh vực, khu vực để có giải pháp phù hợp. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Đồng quan điểm, một số đại biểu đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, xác định rõ nguyên nhân một số chỉ tiêu đạt thấp; một số dự án triển khai chậm và đề ra các giải pháp cụ thể bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh phải được triển khai quyết liệt hơn. Đặc biệt, phải đánh giá cụ thể tình hình lao động trở về từ vùng dịch để có giải pháp huy động nguồn lực từ các lao động này tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Một số ý kiến đề nghị, tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua vaccine tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Xem xét, nghiên cứu phân quyền quản lý bảo vệ rừng về cho các huyện quản lý và có các giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp khai thác rừng trái phép. Ngoài ra, cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh bán trú có hộ khẩu ở những địa bàn vừa được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Liên quan đến khoản thu ngân sách từ khoản nợ kéo dài của các công ty khai thác khoáng sản, nhiều đại biểu đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế và các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý, cưỡng chế nợ thuế, sự chỉ đạo của cấp ủy. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đôn đốc thu nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đối với những đơn vị không hoạt động, không chấp hành nộp thuế sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.

Những tháng cuối năm 2021, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động các phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cùng với đó, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó, chú trọng triển khai đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân và giảm nghèo bền vững…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang NGUYỄN VĂN SƠN

Quan tâm phát triển “tam nông”

Bàn về các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại biểu Hầu Thị Phương (huyện Mèo Vạc) đề nghị, UBND tỉnh quan tâm, nghiên cứu phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, tỉnh phải ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm và thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, có giải pháp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, khoa học, công nghệ và doanh nghiệp.

Dành nhiều tâm huyết cho công tác xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản vùng cao, một số đại biểu đề nghị, tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện chương trình tại các xã đặc biệt khó khăn. Đối với 8 xã đã hoàn thành nông thôn mới năm 2021, cần tăng cường tuyên truyền phương pháp, cách làm, nhất là đầu tư hạ tầng theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng. Bên cạnh đó, nhanh chóng có giải pháp chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Cũng tại kỳ họp, một số ý kiến đề nghị, tỉnh đánh giá chất lượng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ; quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác du lịch; có cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Quan tâm hơn nữa đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em để có giải pháp ngăn chặn, giải quyết hiệu quả...

TRỌNG HIẾU