Kích hoạt xây dựng bản đồ du lịch

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:31 - Chia sẻ
Lo lắng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều du khách đã hủy tour mùa cao điểm du lịch hè sắp tới khiến doanh nghiệp một lần nữa rơi vào cơn bĩ cực. Việc xây dựng bản đồ du lịch an toàn cho du khách và doanh nghiệp tiếp tục được đặt ra như một trong những giải pháp giúp ngành du lịch có thể "sống chung với dịch".
Du lịch lại lao đao vì dịch bùng phát lần thứ 4
Nguồn: ITN

Đồng loạt hủy tour

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, tình trạng hủy tour trong kỳ nghỉ lễ 30.4 vừa qua khiến lượng khách tới các điểm du lịch Sầm Sơn, Đồ Sơn, Đà Nẵng… giảm tới 40%. Không chỉ vậy, đa số khách đã hoãn, hủy các tour du lịch đến hết tháng 5 và giữa tháng 6; 60 - 70% khách muốn hủy các tour cuối tháng 6 và chưa có ý định đặt tour hoặc đi trong tháng 7. 

Công ty Viettravel cho biết, từ khi có ca nhiễm Covid trong cộng đồng, lượng khách đăng ký tour mới giảm hẳn. Công ty chủ động ngưng các tour đến miền Bắc và Đà Nẵng đến hết tháng 5 hoặc cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát Nguyễn Minh Xoang cho biết, doanh nghiệp đã có nhiều kế hoạch phục vụ du khách trong dịp lễ và dịp hè sắp tới. Tuy nhiên, dịch bất ngờ bùng phát khiến tình trạng khách hủy và dời tour tăng mạnh, nhất là các tour đi miền Bắc hoặc vào Đà Nẵng. "Đây như một cú đấm bồi với các doanh nghiệp vì đang là thời điểm kỳ vọng nhất cho du lịch nội địa". Hiện Công ty vẫn nhận những cuộc gọi dời hoặc hủy tour nửa cuối tháng 5. “Chúng tôi đang cố gắng đàm phán, thuyết phục và hỗ trợ tối đa cho khách”, ông Xoang chia sẻ.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Công ty Kiwi Travel Phạm Quý Huy cũng dự báo thời gian tới số lượng khách hủy tour có thể lên đến 80%. Các tour du lịch dịp hè cũng đã được thông báo dời lịch và đơn vị đang xử lý các tour dời lịch theo yêu cầu của khách hàng. Đầu tháng 6 này, công ty có 2 đoàn trên 200 khách tới 2 điểm đến là Hà Nội và Đà Nẵng nhưng cũng đang đàm phán hủy, doanh nghiệp cũng đã đặt cọc vé máy bay nhưng giờ phải thương lượng dời, hoặc hoàn lại. Nhìn chung, tháng 5 và tháng 6 sẽ rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Minh Xoang, khó khăn lớn nhất hiện nay của các đơn vị lữ hành chính là làm việc với các nhà cung ứng dịch vụ như các hãng hàng không, đơn vị lưu trú khách sạn, du thuyền… Đơn cử, vừa qua doanh nghiệp này đặt một số dịch vụ tàu thăm vịnh Hạ Long cho khách nhưng vì lo lắng dịch bệnh khách muốn dời ngày đi thì đơn vị cung ứng lại không hỗ trợ. Hoặc các hãng hàng không cũng chưa có cơ chế bảo lưu cho các vé lẻ. "Điều cần nhất bây giờ là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho khách du lịch", ông Xoang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Xoang, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào nên doanh nghiệp phải chủ động có kịch bản ứng phó. "Chúng tôi đang cập nhật nhiều thông tin mới gửi cho du khách để họ có những quyết định phù hợp trong việc nên đi du lịch. Bên cạnh đó, áp dụng nghiêm nguyên tắc 5K trong quá trình trải nghiệm tour, hạn chế dẫn khách đến những nơi đông người bảo đảm an toàn trong mùa dịch bệnh".

Điều chỉnh theo xu hướng mới

“Vì đã có kinh nghiệm qua từng đợt dịch nên lần này chúng tôi không bị rối”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Oxalis (Chua Me Đất) Nguyễn Châu Á cho biết. Cụ thể, Oxalis đã thực hiện quy trình hướng dẫn sàng lọc khách đến từ vùng dịch. Khách thuộc diện cách ly, cách ly tự nguyện sẽ được Oxalis tư vấn dời tour hoặc huỷ để bảo đảm an toàn. Đồng thời, duy trì hoạt động khử trùng, nước sát khuẩn, khẩu trang, đo thân nhiệt và đặc biệt là kiểm soát chặt việc lập hồ sơ khách.

Việc xây dựng bản đồ du lịch cũng được đặt ra. Nếu có bản đồ du lịch an toàn, người dân sẽ biết nơi nào đang có dịch không nên đến, nơi nào đang trong diện cảnh báo, điểm nào vẫn an toàn để vui chơi. Như vậy sẽ giúp ổn định tâm lý khách hàng, đồng thời cũng giúp cơ quan chức năng ngăn những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.

Doanh nghiệp du lịch cũng sẽ được hỗ trợ rất nhiều, bởi khi có bản đồ này sẽ chủ động biết nơi nào có thể đưa khách đến, nơi nào cần phải giãn ra để tính toán kế hoạch kinh doanh, qua đó tiết kiệm chi phí và giữ dòng tiền. Nếu cứ đặt dịch vụ rồi lại phải hủy, hoãn đột ngột như thời gian qua thì doanh nghiệp sẽ khó khăn vì số tiền đặt cọc bị "ngâm" rất lâu, trong khi tiền mặt lại đang thiếu.

Hạnh Nhung