Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

- Thứ Năm, 30/12/2021, 06:22 - Chia sẻ
Những năm gần đây, hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh không lây nhiễm đã dần được hoàn thiện, nhất là với việc Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia - 2 yếu tố nguy cơ lớn gây ra các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn các yếu tố nguy cơ khác phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm

Vẫn còn khoảng trống

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh không lây nhiễm là các bệnh mãn tính, không lây từ người sang người, bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm. Các yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh không lây nhiễm gồm hút thuốc lá (hoặc thuốc lào, thuốc lá mới); lạm dụng rượu, bia; thiếu vận động thể lực và chế độ ăn chưa hợp lý.

Hiện, WHO đã đưa ra các chiến lược, khung chính sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên toàn cầu để các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam áp dụng gồm Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (gói chính sách khung để giảm sử dụng thuốc lá); Chiến lược toàn cầu về kiểm soát đồ uống có cồn (rượu, bia và đồ uống có cồn); Khuyến nghị toàn cầu về dinh dưỡng và chế độ ăn hợp lý; Khuyến nghị toàn cầu về vận động thể lực vì sức khỏe...

Dựa trên các yếu tố nguy cơ và các chiến lược, khung chính sách này, hệ thống pháp luật về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ở nước ta thời gian qua đã được xây dựng tương đối đầy đủ, trong đó bao gồm cả văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp (Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Thể dục, thể thao hợp nhất năm 2018…) và điều chỉnh gián tiếp (Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015…). Song theo các chuyên gia y tế, qua rà soát cho thấy pháp luật về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm vẫn còn một số khoảng trống.

Cụ thể, pháp luật về phòng bệnh chưa đề cập đến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có đường... theo khuyến cáo của WHO, chưa mở rộng diện tích của in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; chưa cấm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng)... Ngoài ra, pháp luật chuyên ngành còn thiếu những quy định như: chưa đề cập đến các hoạt động can thiệp khám dự phòng, quản lý sức khỏe cho người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng; tầm soát bệnh trước sinh, trước hôn nhân…

Theo WHO, các bệnh không lây nhiễm bao gồm các nhóm bệnh chính là tim mạch, các thể ung thư, hô hấp mãn tính và đái tháo đường/tiểu đường, chiếm 80% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Cần được ưu tiên 

Ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 10 trường hợp thì có 7 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh không lây nhiễm cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tới và phải thực hiện kịp thời, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sự thay đổi mô hình bệnh tật cũng như thói quen ăn uống, sinh hoạt, vận động và hành vi của người dân.

Đơn cử, về pháp luật phòng, chống tác hại của rượu bia, đồ uống có cồn, cần nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia ở mức phù hợp với từng thời kỳ để tăng giá bán lẻ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ rượu, bia; quy định về việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phầm cồn không được phép dùng trong thực phẩm. Hay, về pháp luật phòng, chống tác hại thuốc lá, nghiên cứu bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào danh mục hàng hóa cấm đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết, hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm được thực hiện theo quy định chung về ghi nhãn hàng hóa, chưa có quy định bắt buộc công bố thông tin dinh dưỡng theo hướng dẫn/khuyến cáo của WHO về giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, đường tổng số… mà còn phụ thuộc vào sự tự nguyện của doanh nghiệp và nhà sản xuất. Hơn nữa, hiện Việt Nam cũng chưa có các quy định tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh như một số nước trong khu vực châu Á. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm; đối với đồ uống có đường, cần hạn chế tính sẵn có của sản phẩm cho học sinh, trẻ em thông qua hạn chế quảng cáo, tiếp thị, tài trợ, khuyến mại sản phẩm bổ sung đường, đặc biệt đồ uống có đường ở tất cả các phương tiện truyền thông cũng như đánh thuế đồ uống có đường để kiểm soát tiêu dùng và không trợ giá đường.

Anh Dũng