Sổ tay:

Kiểm soát rác thải rắn tại nguồn

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:46 - Chia sẻ
Để giải quyết triệt để tình trạng đổ trộm rác thải rắn công nghiệp, vật liệu xây dựng từ các công trình xây dựng, công trình dân sinh thải ra... bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ, đưa các nhà máy xử lý rác sớm đi vào hoạt động, việc kiểm soát rác từ nguồn cũng như người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi để vi phạm xảy ra cần được đẩy mạnh.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội mới đây cho biết, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 863,2 tấn/ngày đêm. Trong đó, rác không nguy hại khoảng 646 tấn/ngày, chất thải nguy hại 217,2 tấn/ngày đêm. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải rắn công nghiệp thông thường, không nguy hại đạt 85 - 90%, tương đương 549 - 581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382 - 405 tấn/ngày đêm... Kết quả này cho thấy, Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để xử lý tình trạng đổ chất thải rắn bừa bãi. 

Dẫu vậy, hiện tình trạng đổ trộm rác thải rắn từ vật liệu xây dựng vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa được kiểm soát triệt để. Đơn cử tại ven đại lộ Thăng Long qua địa bàn các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... tình trạng đổ trộm chất thải rắn từ xây dựng vẫn thường xuyên xảy ra mặc cho các hội, đoàn thể của địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức thu gom, nhắc nhở, thậm chí tố giác, xử lý vi phạm.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia môi trường cho rằng: Tình trạng xả chất thải rắn tràn lan hiện nay đành rằng xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, song do sự gia tăng các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn khiến lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều, trong khi tại hầu hết địa bàn quận, huyện của Hà Nội hầu hết vẫn chưa có điểm tập kết chất thải rắn xây dựng, người dân không biết chở đi đâu nên đổ bừa bãi...

Khắc phục tồn tại trên, ngày 31.3.2021, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 922/UBND-ĐT về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Theo đó, giao các sở, ngành rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn để lồng ghép vào quy hoạch chung.

Gần đây nhất, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và huyện Ba Vì. Trong đó yêu cầu các nhà đầu tư cần nỗ lực, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ dự án, bảo đảm thi công hoàn thành dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, dự án Nhà máy điện rác Seraphin đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, chủ động thực hiện các thủ tục theo cam kết, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chất lượng công trình, môi trường...

Hy vọng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, công tác quản lý chất thải rắn sẽ đi vào nền nếp, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả chất thải rắn, thiết nghĩ các quận, huyện, thị xã cần kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đồng thời chính quyền thành phố cần quy định các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng đổ trộm chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

Hải Thanh