Kiểm toán Nhà nước Việt Nam dẫn dắt thành viên ASOSAI thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội

- Thứ Tư, 01/09/2021, 07:37 - Chia sẻ
Tại Đại hội các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 được tổ chức vào năm 2018 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai, lần đầu tiên, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo nhằm theo đuổi và hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Vì sự phát triển bền vững

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

Trong 3 năm qua, ASOSAI luôn tích cực thúc đẩy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên (SAI), khuyến khích việc thực hiện kiểm toán hợp tác xuyên biên giới và các Đề án nghiên cứu, nổi bật trong đó là: Cuộc kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường nước và Đề án nghiên cứu về ứng dụng dữ liệu lớn trong Kiểm toán môi trường (KTMT) đã thực hiện thành công; Đề án nghiên cứu về chủ đề Kiểm toán tài chính xanh. Năm 2020, đã triển khai 2 cuộc kiểm toán hợp tác với sự tham gia của các SAI với chủ đề Kiểm toán quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông và Kiểm toán giao thông bền vững.

Nhóm công tác về KTMT của ASOSAI (ASOSAI WGEA) đã có sáng kiến thành lập giải thưởng “Tầm nhìn xanh” để tuyên dương và khuyến khích các thành viên thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong KTMT, góp phần cải thiện quản trị môi trường và sinh thái của châu Á và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các SDGs của Liên Hợp Quốc.

Về tăng cường năng lực cho SAI, nhiều chương trình tăng cường năng lực chuyên môn được cung cấp cho kiểm toán viên trong khuôn khổ ASOSAI WGEA, trong đó có khóa đào tạo về kiểm toán chất thải rắn. Ngoài ra, SAI Ấn Độ đã chủ trì thực hiện nhiều chương trình đào tạo quốc tế theo Chương trình INTOSAI WGEA.

Về hợp tác khu vực trong KTMT, Hội nghị chung ASOSAI - EUROSAI lần thứ 3 về chủ đề “Những vấn đề mới nổi và tình trạng báo động” tổ chức tại Israel năm 2019 cũng là một thành công của ASOSAI trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Bên cạnh đó, ASOSAI WGEA tích cực, chủ động trong nhiều dự án của INTOSAI WGEA, trong đó 9 SAI của nhóm tham dự 3 Chương trình hoạt động của INTOSAI WGEA 2020 - 2022 với chủ đề: "Vận tải bền vững, Chất thải nhựa và Tài chính xanh". ASOSAI WGEA cũng tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 14 của EUROSAI WGEA năm 2020 và Hội thảo đặc biệt về quản lý chất thải rắn vào tháng 4.2021. Tháng 5.2019, SAI Trung Quốc đăng cai tổ chức cuộc họp lần thứ 6 trong khuôn khổ Diễn đàn Lãnh đạo Kiểm toán Toàn cầu, trong đó có chủ đề: "Cải thiện trách nhiệm giải trình ở khu vực công thông qua Kiểm toán môi trường".

Nỗ lực của các SAI 

Sau 3 năm triển khai “Tuyên bố Hà Nội”, các SAI của ASOSAI đã thực hiện 60 cuộc KTMT dưới loại hình kiểm toán hoạt động về: Quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước, xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo, bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất... SAI Việt Nam đã có rất nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm thực hiện “Tuyên bố Hà Nội”, chú trọng vào KTMT vì sự phát triển bền vững và Kiểm toán SDGs.

Kiểm toán nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Tiếp nối vào dự thảo Tuyên bố Băng Cốc

Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15, diễn ra ngày 6 – 8.9 tới, cam kết của ASOSAI một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên bố Băng Cốc do SAI Thái Lan, Chủ tịch nhiệm kỳ 2021 - 2024 dự thảo: “Tuyên bố Hà Nội đã khẳng định những lợi ích, nỗ lực và đóng góp của ASOSAI cho việc thực hiện SDGs, góp phần thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI về lĩnh vực KTMT vì sự phát triển bền vững. Thông qua Tuyên bố Hà Nội, ta có thể nhận ra được tầm quan trọng của việc các SAI nỗ lực theo đuổi khái niệm “Xây dựng lại tốt hơn” – “Building Back Better” để thực hiện SDGs trong trạng thái bình thường mới”.

Về chủ đề phát triển bền vững, đã có 35 cuộc kiểm toán SDGs đã được các SAI trong ASOSAI thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại giá trị và lợi ích cho người dân như: Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ phúc lợi cho người dân; phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục công; cung cấp an ninh lương thực bền vững; quản lý tài chính quốc gia bền vững; quản lý bền vững chính sách dân số và nhân khẩu học…

Các SAI cũng tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động KTMT như tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát…

Kết quả kiểm toán đã có những đóng góp thiết thực hiệu quả, trên các khía cạnh cụ thể.

Thứ nhất, giúp các Chính phủ áp dụng các biện pháp ngày càng mạnh mẽ và kịp thời để bảo vệ hệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc và chủ động hơn.

Thứ hai, thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý và khung chính sách về vấn đề môi trường quốc gia, tiêu biểu như việc xây dựng hệ thống dòng chảy sinh thái và cấm đánh bắt cá trên sông Trường Giang đã được thể chế hóa trong Luật bảo vệ sông Trường Giang - Bộ Luật đầu tiên về lưu vực sông ở Trung Quốc do SAI Trung Quốc đề xuất.

Thứ ba, đánh giá toàn diện tính phù hợp của các chương trình, dự án của chính phủ từ góc độ phát triển bền vững, đặc biệt là tính minh bạch, hiệu lực và trách nhiệm giải trình; lập kế hoạch chung về môi trường; thực hiện các chương trình/dự án để quản lý các mục tiêu; thiết lập các tiêu chuẩn, quy định quản lý và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường về tổ chức, thể chế, luật pháp, ngân sách…

Thứ tư, các SAI chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ thực hiện kiểm toán rời rạc, đơn lẻ sang tập trung toàn bộ năng lực kiểm toán vào kiểm tra tổng thể quy trình chính sách từ khâu lập kế hoạch - thực hiện kiểm toán - theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán thông qua kiểm toán hoạt động, nhằm đánh giá việc thực hiện mục tiêu chính sách mong muốn. Nhiều SAI hướng tới thực hiện kiểm toán “thời gian thực” giúp theo dõi tình hình thực hiện chính sách/chương trình và đưa ra các biện pháp cải thiện ngay trong quá trình thực hiện chính sách/chương trình đó thay vì đánh giá hiệu quả hoạt động vào thời điểm sau khi kết thúc.

Những thành tựu của các Nhóm công tác ASOSAI cũng như các SAI đã chứng minh rằng ASOSAI đang trở thành một Nhóm khu vực kiểu mẫu và tổ chức năng động, theo đuổi các giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới, sẵn sàng ứng phó”. Việc theo đuổi các khuyến nghị trong Tuyên bố Hà Nội của ASOSAI và các SAI cho thấy sự nghiêm túc và luôn chủ động để ứng phó với những thách thức chung của khu vực trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó có lĩnh vực KTMT và kiểm toán thực hiện SDGs, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mỗi quốc gia, khu vực châu Á và toàn cầu hiện nay. Các cuộc kiểm toán nói trên đã tạo ra công cuộc KTMT và góp phần thực hiện mục tiêu SDGs ngày càng toàn diện, mạnh mẽ, đưa ra các phát hiện và kiến nghị kiểm toán hết sức giá trị cả về mặt chuyên môn và quản lý chính sách.

Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước