Thành phố Hồ Chí Minh ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

Kiên cường chống dịch

- Thứ Bảy, 10/07/2021, 06:26 - Chia sẻ
Từ 0h ngày 9.7, người dân TP. Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Dẫu biết còn nhiều khó khăn, nhưng người dân thành phố quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh: “Hy sinh lợi ích ngắn ngày để bảo toàn sự sống lâu dài, đặc biệt sức khỏe, tính mạng của người dân, vì mục tiêu cao đẹp Thành phố mạnh khỏe, an toàn, đất nước vững bền, phát triển”.

Nơi nào khó, có thanh niên

“Sáng 9.7, đặt chân tới mỗi con đường, góc phố, một cảm giác xót xa chợt trào lên trong tim chúng tôi khi chứng kiến những tòa cao ốc chọc trời, những công sở hiện đại vốn hàng ngày náo nhiệt là thế, hôm nay đóng cửa vắng lặng. Nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh, điều đọng lại trong chúng tôi là hãy kiên cường cùng người dân thành phố chống dịch”. Tại góc phố Đinh Tiên Hoàng (quận 1), diễn viên trẻ Thanh Sơn đã bộc bạch với tôi như vậy. Anh cùng hàng trăm thanh niên tình nguyện đủ ngành nghề: Nghệ sỹ, nhân viên ngân hàng, kiến trúc sư, phiên dịch viên… đang tập kết những bình dung dịch khử khuẩn cuối cùng lên xe tự lái, để “hành quân” về những vùng cách ly, phong tỏa, tiếp sức cho lực lượng phòng, chống dịch.

	Các bác sỹ điều dưỡng viên ĐH Y dược TPHCM tiếp sức cho các bệnh viện dã chiến
Các bác sỹ điều dưỡng viên ĐH Y dược TPHCM tiếp sức cho các bệnh viện dã chiến

Trong bộ đồ bảo hộ, đôi mắt của các bạn ánh lên niềm tự hào. “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, hai chữ "tình nguyện" không chỉ là sự xung kích của tuổi trẻ mà còn là tấm lòng và trách nhiệm của mỗi công dân dành cho thành phố và đất nước”, bạn Mỹ Anh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tâm sự. 

Trong những ngày qua, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các đội tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hơn 6.000 tình nguyện viên đã tự nguyện tham gia vào các nhiệm vụ như: Hỗ trợ công tác hậu cần trong lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu thông tin, hướng dẫn người dân, bảo đảm trật tự, an toàn tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, hỗ trợ phun khử khuẩn tại các khu cách ly, phong tỏa... Các tình nguyện viên được tập huấn kiến thức, chuyên môn đồng thời tuân thủ các quy tắc bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc

Cũng trong ngày đầu giãn cách xã hội, 55 bác sĩ cùng 103 điều dưỡng, kỹ thuật viên (đợt 1) của Bệnh viện Đại học Y dược trong màu áo blouse trắng thân thương, đã tạm chia tay gia đình để tiếp tục “ra trận”, chi viện cho những điểm nóng chống dịch trong thành phố.  

Những ngày qua, hàng nghìn cán bộ y tế, những chiến sĩ áo trắng đã lao vào tuyến đầu chống dịch, theo "mệnh lệnh của trái tim" người thầy thuốc. Tất cả được điều động luân phiên đến 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 với quy mô khoảng 12.000 giường.

Trong dịp cao điểm này, thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến. Một số y, bác sĩ khác được điều động tiếp sức các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu đối với các trường hợp nặng. Cả 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các ký túc xá Đại học Quốc gia, khu nhà tái định cư ở quận 12, khu nhà tái định cư ở TP. Thủ Đức, khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh. Đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở hạ tầng sẵn thành bệnh viện dã chiến.

Tại Trung tâm cấp cứu 115, chúng tôi cũng ghi nhận tinh thần làm việc tất cả vì người bệnh của các y, bác sĩ, lái xe. Trực tiếp vận chuyển bệnh nhân F0, đối diện với nguy hiểm, dịch bệnh, nhưng các cán bộ đã kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một li không rời”.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng khẳng định: “Trong 15 ngày tới, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục điều tra, truy vết và tăng cường xét nghiệm để phát hiện ra các trường hợp F0, tiếp tục mở rộng thu dung điều trị, bảo đảm 20.000 giường bệnh và khi cần sẽ nâng lên 30.000 giường để chủ động đáp ứng điều trị. Tất cả đều nỗ lực, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe của người dân”.

Kiên cường gắn bó với thành phố thân yêu

Bến xe Miền Tây mỗi ngày vận chuyển hàng nghìn hành khách đi liên tỉnh, nhưng hôm nay đóng cửa vắng lặng, chỉ còn những chuyến xe tải trĩu hàng dừng lại ở kho bãi. Những công nhân trong bộ đồ bảo hộ chống dịch, thực hiện giãn cách, đang khuân vác những thùng lương thực, thực phẩm lên các xe bán tải nhỏ gọn hơn để tỏa vào các điểm bán lẻ và vùng bị phong tỏa. Khi được hỏi, tại sao dịch như vậy mà vẫn bám trụ làm việc, nhân viên Nguyễn Văn Sinh, quê ở Trà Vinh tâm sự: “Bố mẹ em giục về quê từ 3 tuần trước, nhưng em an ủi, động viên bố mẹ yên lòng. Em chưa lập gia đình, sức dài vai rộng thế này, phải ở lại chung tay cùng anh em, làm tốt nhiệm vụ được giao. Vận chuyển hàng hóa mỗi ngày vào vùng cách ly, phong tỏa, trao thực phẩm tới tận tay người dân, đấy là niềm hạnh phúc của em”.

Để bảo đảm nguồn cung cấp chủ lực lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày, không gây thiếu hụt nguồn hàng, biến động giá cả, Sở Công thương đã tập trung kích hoạt phương án tạo nguồn hàng, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị cung cấp thực phẩm ổn định nhân lực vận chuyển hàng hóa không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16, Ban Quản lý các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền tuyên truyền đến các thương nhân, thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng cửa hàng, chuyển sang hình thức giao dịch bán hàng qua điện thoại, trực tuyến. Hàng trăm chuyến hàng trong chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua triển khai các Chương trình Siêu thị Mini 0 đồng, Chợ nghĩa tình đã được thực hiện.

Thành phố đang trải qua thời kỳ khó khăn trước đại dịch Covid-19. Nhưng hệ thống chính trị thành phố cùng Nhân dân đồng lòng, chung sức trong công tác phòng, chống dịch. Cuộc sống của mỗi gia đình gặp nhiều xáo trộn, khó khăn, nhưng người dân thành phố đều đang bình tĩnh, thực hiện nghiêm việc giãn cách, giảm nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Hoàng Anh