Dư âm Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

Kiên định tái khởi động phục hồi nền kinh tế

- Thứ Hai, 04/10/2021, 05:54 - Chia sẻ
Theo đại biểu Quốc hội VŨ TIẾN LỘC (Hà Nội), Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội đã đi sâu vào thực chất vấn đề; thẳng thắn, thiết thực, đúng và trúng vào những vấn đề Quốc hội quan tâm. Với những kinh nghiệm, kiến thức đáng quý từ các chuyên gia, tọa đàm đưa ra khuyến nghị, cần thiết phải tái khởi động phục hồi nền kinh tế.

Không mang tính hàn lâm, mà đi vào thực chất

- Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội với sự tham dự và chủ trì của Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện khát khao cống hiến cho đất nước, cho Quốc hội. Xin ông chia sẻ nhận định của mình về Tọa đàm này?

- Là tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tôi đánh giá cao sáng kiến này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tọa đàm tổ chức ngay trước thềm Kỳ họp thứ Hai chính là cơ sở để các chuyên gia đóng góp ý kiến về giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tái khởi động phục hồi nền kinh tế.

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu, những ý kiến được nêu ra từ nhiều góc độ khác nhau, từ cách nhìn tổng thể đã đưa ra thông tin quan trọng cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định những quyết sách lớn, quan trọng. Đối với các nhà khoa học, chuyên gia tham dự tọa đàm, thì đây là diễn đàn đối thoại rất bổ ích. Khi ngồi riêng với các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học hàng đầu, chúng ta có điều kiện để trao đổi sâu về các luận cứ khoa học, những vấn đề đằng sau các định hướng, chủ trương, chính sách kinh tế. Các chuyên gia được trình bày ý kiến một cách thẳng thắn, thiết thực, đúng và trúng vào những vấn đề Quốc hội quan tâm.

- Như ông chia sẻ, đây là một tọa đàm mở, mang tính chất chuyên sâu...?

- Đúng vậy, ở diễn đàn khoa học, chúng ta phân tích từ góc độ khoa học. Nếu như hoạt động của Quốc hội tập trung bàn nhiều về vấn đề thực tiễn, chính sách, đưa ra giải pháp về chính sách, thì khi trao đổi với các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, với phạm vi hẹp (gần 100 chuyên gia) là cơ sở để hình thành các luận cứ khoa học - thực tiễn, có chất lượng, là "đầu vào" quan trọng để Quốc hội, Chính phủ tham vấn trong quá trình xây dựng các báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Các đại biểu tập trung bàn về tái cấu trúc nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đây đều là những công việc lớn, đang còn “ngổn ngang”, đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, nhìn từ góc độ khoa học để thấy được những mặt đạt được, chưa được, những nút thắt lớn cần tháo gỡ. Tọa đàm không mang tính hàn lâm mà đi vào thực chất, các chuyên gia tham dự đều là những người từng làm trong các cơ quan tham mưu, là người đang tham gia xây dựng thể chế chính sách, có cả những chuyên gia đầu ngành đã về hưu dày dặn kinh nghiệm… Những kiến thức, kinh nghiệm của họ là rất đáng quý, được thu thập từ thực tiễn trải nghiệm, thực tiễn làm chính sách, gắn với hoạt động của đời sống xã hội, của doanh nghiệp, nên những ý kiến đó rất sâu sắc.

- Với thành công của Tọa đàm đầu tiên tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên. Ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động này?

- Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, Diễn đàn Kinh tế mùa thu, đây là diễn đàn quan trọng để Quốc hội lắng nghe các ý kiến nhiều chiều về kinh tế - xã hội, đưa ra các kiến nghị, giải pháp. Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đứng ra tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên như một lời khẳng định sự trân trọng, luôn lắng nghe của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với khuyến nghị của các chuyên gia.

Tôi mong rằng, Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên sẽ mang tính gần gũi, tổ chức thường xuyên theo các chủ đề quan trọng, những chủ đề mà Quốc hội cần tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Không chỉ tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, mà khi bàn lĩnh vực, đối tượng nào có thể tham vấn ngay chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực đó, đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của các dự án luật.

Mở cửa thị trường chủ động, nhất quán, có lộ trình

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

- Tọa đàm cũng đã đề cập đến việc chuyển định hướng chính sách từ "Zero Covid" sang thích ứng với Covid-19. Khuyến nghị này sẽ có tác động thế nào đối với phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Hai tới đây, thưa ông?

- Kỳ họp thứ Hai là kỳ họp vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định. Bởi lẽ 100 ngày tới đây (trong quý IV) là 100 ngày quyết định đối với nền kinh tế Việt Nam, là thời gian "vàng" để tái khởi động nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt tình hình dịch bệnh, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, các trung tâm kinh tế của cả nước. Do vậy, đây là lúc chúng ta phải kiên định mở cửa nền kinh tế.

Vừa rồi, Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP quý III của nước ta âm đến 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Vẫn biết rằng tăng trưởng âm một vài phần trăm là điều có thể. Nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới 2 con số. Xu hướng này, theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm.

Đối với doanh nghiệp còn đáng ngại hơn. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, 94% số doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 98% số doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp chỉ hoạt động chừng 5 - 10% công suất. Phần lớn các doanh nghiệp nói rằng họ khó có thể trụ thêm 3 - 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện. Hơn lúc nào hết, nền kinh tế đang cần có biện pháp giải cứu cấp bách, và mở cửa nền kinh tế chính là "cỗ máy trợ thở" lớn nhất.

- Theo ông, giải pháp nào để phục hồi kinh tế trong thời gian tới?

- Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thống nhất phải mở cửa nền kinh tế, có khung chính sách thích ứng với Covid-19. Tôi tin rằng, Quốc hội cũng sẽ ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này. Muốn vậy, có rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, tăng cường tiêm chủng mở rộng phạm vi bao phủ vaccine vẫn là giải pháp nền tảng cho việc kiềm chế dịch bệnh. Thứ hai, riêng về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi, tôi cho rằng cần mở cửa thị trường theo hướng chủ động, nhất quán, có lộ trình, kịch bản. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính - đây là thời cơ tốt cho sự đồng thuận, chung tay, đẩy nhanh cải cách. Thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh. Nhất là khi dư địa của chính sách tài khóa còn lớn, đầu tư công và các gói hỗ trợ mới thực hiện được 50%. Chúng ta phải thực hiện chính sách tài chính ngược chu kỳ, hỗ trợ lại cho sản xuất kinh doanh, nhằm đầu tư cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó là chính sách tiền tệ, vấn đề này tương đối nhạy cảm vì liên quan đến áp lực lạm phát trong thời gian tới. Phải làm sao giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi dư địa của chính sách tiền tệ tương đối khó khăn, eo hẹp. Ngược lại, khi dư địa chính sách tài khóa còn nhiều thì nên tích hợp, cộng hưởng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đơn cử, tiếp tục giảm lãi suất ở mức độ phù hợp để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng hạ lãi suất không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực riêng của ngân hàng thương mại mà còn cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, thông qua gói hỗ trợ bù lãi suất. Hay thuế giá trị gia tăng cần được mở rộng hơn cho nhiều ngành hàng, nhằm thúc đẩy hạ giá tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa với chi phí thấp, tạo động lực kích cầu nền kinh tế.

Việc thực hiện thật tốt, nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ đã ban hành, song song với đó mở rộng quy mô, phạm vi các gói hỗ trợ là cần thiết. Đáng lưu ý, như Thủ tướng Chính phủ đề nghị, có thể nâng tỷ lệ trần nợ công. Thời gian qua, Chính phủ đã rất cố gắng, quyết liệt hạ trần nợ công, bây giờ còn dư địa, dưới mức an toàn mà Quốc hội cho phép, chúng ta có thể cân nhắc nới trần nợ công, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công… Tôi cho rằng, Quốc hội sẽ có tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy, ủng hộ Chính phủ chuyển hướng từ giai đoạn chiến lược phòng, chống dịch sang “sống chung” an toàn với dịch Covid-19.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện