Kiên Giang chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 14/10/2021, 20:18 - Chia sẻ
Kiên Giang là tỉnh ven biển chịu nhiều tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là vấn nạn sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 37 km chiều dài bờ biển bị sạt lở, diện tích bãi bồi bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500 ha, làm mất đi nhiều đai rừng ven biển từ 60m – 300m. Trước thực trạng đó, Kiên Giang đã có nhiều mô hình sáng tạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và sạt lở bờ biển.
		Kiên Giang điều chỉnh nhiều diện tích rừng thích ứng với tình hình hình mới
Kiên Giang điều chỉnh nhiều diện tích rừng thích ứng với tình hình hình mới

Thay đổi để phát triển bền vững

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ “Về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các chương trình, dự án, quy hoạch theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong lĩnh vực trồng trọt, đã chuyển đổi 2 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu sang 3 vụ lúa Đông Xuân – Hè Thu – Thu Đông ở những diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo thuộc các huyện thuộc vùng Tây Sông Hậu (Giồng Riềng, Tân Hiệp) và vùng Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất). Khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên chuyển sang mô hình tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, nhiều diện tích đất ở vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng, Tây Sông Hậu đã chuyển từ mô hình 2 vụ lúa sang mô hình lúa – màu, nhiều diện tích chuyển từ trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi thủy sản được 32.864 ha.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, chú trọng đầu tư phát triển nhanh các hình thức nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng tôm – lúa ở U Minh Thượng, áp dụng công nghệ tiên tiến để chuyển từ phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng duy trì hợp lý diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ, điều chỉnh một phần diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, Kiên Giang cũng tăng cường các hoạt động xã hội hóa nghề rừng thông qua hình thức liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng kết hợp du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Tháo gỡ vướng mắc

	Nuôi cá lồng bè trên biển, một thế mạnh của Kiên Giang trong sản xuất nông nghiệp
Nuôi cá lồng bè trên biển, một thế mạnh của Kiên Giang trong sản xuất nông nghiệp

Giám đốc sở Nông nghiệp và phát Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng, thời gian qua Kiên Giang đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu như: hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, trang trại; liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; thu hút tư nhân đầu tư phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp – nông thôn; tăng cường đầu tư khoa học – công nghệ và khuyến nông

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phần lớn các loại sản chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp và thường bị ép giá khi được mùa. Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa; liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ. Việc huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh sản xuất nông, lâm nghiệp chưa nhiều. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư triển khai Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng; người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận các chương trình tín dụng nông thôn, hạn mức cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho sản xuất.

Để giảm bớt sử dụng tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo giá trị tăng cao và bền vững trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung phát triển sản xuất theo điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với sự tham gia của các doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm, thủy sản để sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn lao động; ứng dụng quy trình canh tác an toàn sinh học, quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ đối với tất cả các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo yêu cầu của thị trường; tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa để vừa tăng hiệu quả sử dụng và cải tạo môi trường đất; phát triển mạnh nuôi thủy hải sản biển khơi, nhằm giảm áp lực sử dụng đất và sử dụng mặt nước ven bờ; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng ĐBSCL để tạo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Vũ Châu