Nhìn lại 2 ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19

Kiến nghị nhiều giải pháp căn cơ, toàn diện

- Thứ Tư, 10/11/2021, 05:07 - Chia sẻ
Nhìn lại hai ngày thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đại biểu Quốc hội cho rằng, phiên thảo luận hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá việc thực hiện các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, toàn diện nhằm kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, đồng thời truyền tải, phản ánh được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái):
Trách nhiệm và xây dựng

Ảnh: T. Thành

Sau 2 ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19, đã có 120 ý kiến đại biểu phát biểu về các vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm. Các ý kiến đều rất trách nhiệm và xây dựng, tập trung vào việc đánh giá thực hiện các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề y tế, giáo dục, lao động và việc làm; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh dịch, bệnh; các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm và đóng góp ý kiến là kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương; vấn đề sản xuất vaccine trong nước nhằm chủ động nguồn cung, nâng cao khả năng phòng bệnh; chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch phát sinh.

Đối với lĩnh vực lao động và việc làm, nhiều đại biểu dành sự quan tâm đến việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, gợi mở các giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc làm, trong đó có giải quyết việc làm cho nhóm người lao động trở về địa phương. Qua thảo luận, nhiều nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện đã được các ĐBQH kiến nghị, đề xuất để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phòng, chống dịch an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Tôi tin tưởng, với những ý kiến tâm huyết của các ĐBQH, Chính phủ sẽ có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng):
Đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa

Ảnh: T. Chi

Tôi thống nhất rất cao với các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ đề ra. Các giải pháp cơ bản bảo đảm tính cấp thiết, khả thi và phù hợp với tình hình thực tế vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những giải pháp mà Nghị quyết 128/NQ-CP đã nêu về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn băn khoăn những nội dung mà chúng tôi cảm nhận rằng Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ, cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương hơn nữa. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc cân đối thu - chi ngân sách nhà nước; cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn lực cho an sinh xã hội; phòng, chống dịch; phục hồi kinh tế; đầu tư cho y tế cơ sở. Đồng thời, cần quan tâm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là cần có các giải pháp đột phá nhằm thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính vì thực tế cho thấy thủ tục hành chính hiện nay còn quá nhiêu khê, làm nản lòng các nhà đầu tư hoặc có vốn nhưng phải chờ công trình được phê duyệt. Cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, liên kết khu vực. Tôi mong rằng, qua phiên thảo luận 2 ngày vừa qua và tới đây khi Quốc hội ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thì Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào những vấn đề này để triển khai thực hiện hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng):
Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Ảnh: T. Chi

Quốc hội đã dành hai ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội và bàn giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Trước đó, trong đợt 1 họp trực tuyến của kỳ họp, Quốc hội cũng đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận nội dung này tại phiên họp tổ. Có thể thấy, Quốc hội hết sức coi trọng, thảo luận kỹ lưỡng, có sự trao đi đổi lại giữa các đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 có tính định hướng cao, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức, thực hiện. Quan sát Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội trong hai ngày qua cho thấy, không khí thảo luận rất dân chủ. Các ý kiến rất phong phú, đa dạng, đa chiều, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, cho nên thông tin rất phong phú.

Với kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, kinh nghiệm hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác nhau, các ĐBQH đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, chi tiết. Từ những kiến nghị này, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa, xem xét, chọn lọc để cụ thể hóa những nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra. Quan trọng hơn nữa là các phát biểu của ĐBQH trên hội trường đã truyền tải, phản ánh được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, trăn trở của cử tri cả nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn những ý kiến trùng nhau. Mặc dù Đoàn Chủ tịch đã rất linh hoạt trong điều hành, song về phía các ĐBQH cũng cần tiếp tục rút kinh nghiệm, vì thời gian thảo luận trên nghị trường không nhiều, các đại biểu có cơ hội phát biểu nhưng cũng cần dành cơ hội cho đại biểu khác. 

Trong hai năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tập trung cho công tác chống dịch. Hiện nay, chúng ta đã bước sang giai đoạn mới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải quán triệt, thống nhất và phải thực hiện một cách linh hoạt để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Phải có nhận thức đúng, nhất quán về mối quan hệ giữa kiểm soát dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, vì hiện nay không phải ai cũng nhận thức đúng, điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai các biện pháp kiểm soát dịch và phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tới đây, tôi mong muốn Chính phủ dành nhiều quan tâm đến các giải pháp “chống”, tức là nâng cao năng lực chữa trị bệnh nhân Covid-19. Vì cùng với chiến lược mở rộng độ bao phủ của vaccine, việc chúng ta có giải pháp để nâng cao khả năng chữa khỏi các ca bệnh Covid-19 sẽ mang lại niềm hy vọng cho người dân, điều này cũng giúp người dân vững tin vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về chung sống an toàn với Covid-19. Do đó, Chính phủ cần quan tâm nhiều đến việc đầu tư cho sản xuất vaccine và thuốc điều trị, chủ động nguồn cung vaccine và nguồn thuốc chữa bệnh, có phác đồ điều trị hiệu quả.

Về phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, tôi quan tâm đến các giải pháp về "phát triển". Thực tế thời gian thực hiện “mục tiêu kép” vừa qua đã cho thấy, bên cạnh những lĩnh vực bị tổn thất nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng có những lĩnh vực, ngành, nghề mới “nổi lên” như sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất các loại thuốc mới để phòng bệnh, chữa bệnh, nông nghiệp, xuất khẩu, thương mại điện tử, ngân hàng số… có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Hay những vấn đề lâu nay chúng ta vẫn “loay hoay” như tinh giản biên chế, thay đổi cách làm việc thì chính đại dịch Covid-19 vừa qua là một phép thử cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cách thức làm việc cũ, ứng dụng công nghệ để giảm số người làm việc nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả công việc.

Thanh Chi - Trung Thành ghi