Kiến tạo không gian nhiếp ảnh

- Thứ Ba, 11/05/2021, 05:28 - Chia sẻ
Trong thời điểm mà nguồn lực dành cho nghệ sĩ tự do còn khan hiếm, sự ra đời của các không gian nhiếp ảnh dù với số lượng ít ỏi nhưng đã tạo cơ hội giới thiệu tác phẩm cho nhiếp ảnh gia đang hướng tới thực hành chuyên nghiệp, đồng thời làm phong phú thêm cách hiểu của công chúng về loại hình nghệ thuật thị giác này.

Dư vị khác biệt

Nằm tại tầng 3 của Tổ hợp sáng tạo 48 Ngọc Hà, Hà Nội, không gian nhiếp ảnh Mắt Cá đi vào hoạt động từ tháng 4.2019. Suốt hai năm qua, cùng với nhiều địa chỉ nhỏ, hoạt động tự thân trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo như âm nhạc và nghệ thuật đương đại, không gian này đem tới dư vị mới khác biệt cho đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Đây trở thành địa điểm quen thuộc của các sự kiện triển lãm, trò chuyện, các khóa học ngắn hạn và nhiều hoạt động khác xoay quanh nghệ thuật nhiếp ảnh.

Sáng lập và vận hành không gian này là những nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ độc lập, có nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, cảm thấy trong nước thiếu một điểm kết nối cộng đồng hoạt động nhiếp ảnh đương đại. Nghệ sĩ Mai Nguyên Anh cho biết, Mắt Cá thiên về ý tưởng, nói đến những thách thức làm nhiếp ảnh kiểu mới, thu hút nhiều nghệ sĩ mong muốn thử nghiệm mới… “Chúng tôi hình dung nơi đây như điểm hội tụ những người yêu nhiếp ảnh nói riêng và văn hóa, sáng tạo nói chung. Đó là một không gian linh hoạt với đầy đủ trang thiết bị để tùy chỉnh theo từng sự kiện, với một cộng đồng khán giả đa dạng sẵn sàng tham gia, tìm kiếm trải nghiệm, cùng mạng lưới những người làm sáng tạo trong nước và khu vực luôn học hỏi, tương trợ lẫn nhau”.

Tháng 3 vừa qua, với mục đích đóng góp cho sự phát triển tiềm năng của nghệ thuật nhiếp ảnh, là cầu nối giữa nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh, công chúng yêu nghệ thuật, nhà sưu tầm Việt Nam và quốc tế, một không gian dành riêng cho nhiếp ảnh đã được khai trương, mang tên Phòng Nhiếp ảnh Hà Nội (Room of Fotography Hanoi), tại tầng 3 MAI Gallery, 113 Hàng Bông, Hà Nội. Bằng cách đề cao thông điệp nhiếp ảnh vượt xa khỏi khái niệm "chụp", không gian trưng bày nhiếp ảnh chuyên nghiệp, và hướng tới khơi gợi các góc nhìn mới lạ về nghệ thuật thị giác.

Người lên ý tưởng khai sinh Phòng Nhiếp ảnh Hà Nội, nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc xuất phát từ những thiếu vắng trong môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Anh cho biết: “Nếu suy nghĩ một cách tiêu cực, thì thị trường nhiếp ảnh của chúng ta vẫn chưa có gì đáng kể. Nhưng theo một cách tích cực đây chính là tiềm năng và còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt là những nhiếp ảnh gia trẻ Việt Nam, họ có kiến thức và thực hành chuyên môn nên đã tạo ra những tác phẩm mới rất khác và tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao”.

Sự ra đời của các không gian dành riêng cho nhiếp ảnh khỏa lấp phần nào khoảng trống của môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Câu chuyện sẽ không đáng kể nếu ở Việt Nam, nhiếp ảnh được đánh giá ngang với loại hình nghệ thuật sáng tạo khác. Sự ra đời của không gian dành riêng cho nhiếp ảnh, bởi vậy, còn thúc đẩy tư duy về nhiếp ảnh nghệ thuật, thay đổi nhận thức giản đơn nhiếp ảnh chỉ mang tính chất tư liệu, thiếu yếu tố sáng tạo và giá trị thương mại thấp.

Theo nghệ sĩ Mai Nguyên Anh, ấn tượng đầu tiên mà công chúng có thể nhìn thấy ngay được ở không gian nhiếp ảnh nghệ thuật là mức độ hoàn thiện của tác phẩm nhiếp ảnh. “Thông thường ảnh triển lãm sẽ không có được chất lượng hoàn thiện như thế, khi người ta in ấn với chất lượng kém hơn, trưng bày xong có thể bỏ đi hoặc tặng lại... Nhưng ở đây, sự chuyên nghiệp của nhiếp ảnh được đẩy lên thực sự, khi tác phẩm được in ấn, đóng khung với chất lượng tốt nhất, chi phí sản xuất không hề rẻ nhưng được khẳng định đúng với giá trị của nó”.

Ngoài ra, với vai trò điểm nối, không gian nhiếp ảnh nghệ thuật là “sợi chỉ” cần thiết liên kết nghệ sĩ và công chúng, nhà sưu tầm. Chính vì lâu nay thiếu vắng không gian, nên nghệ sĩ nhiếp ảnh hầu như không biết trưng bày tác phẩm ở đâu, bán cho ai, ai mua, cũng không nắm được thông tin thị trường hay cách thức quảng bá tác phẩm… Như tâm sự của nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải: “Tôi cũng có nhận thức về việc hoàn thiện tác phẩm, nhưng không tìm được không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm… Hầu hết đứa con tinh thần yêu thích, tôi đều tự in ra, treo ngắm nhiều năm trong nhà”.

Nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải so sánh, không gian nhiếp ảnh giống như bước đệm cho các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia trên con đường lao động nghệ thuật chuyên nghiệp. Một mặt, nó tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với nhiều người xem hơn, mặt khác nó góp phần thể hiện sự phong phú, sáng tạo gần như vô hạn trong nhiếp ảnh. “Hội tụ ở không gian này, nghệ sĩ và công chúng cùng dành mối quan tâm xứng đáng cho nhiếp ảnh nghệ thuật, cùng dẫn dắt việc hình thành nền tảng nhiếp ảnh nghệ thuật cho tương lai ở Việt Nam”.

Bằng cách tập trung vào các chiều hướng cụ thể, không gian dành riêng cho nhiếp ảnh giúp nối gần khoảng cách phát triển giữa nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, thông qua sự định hình thị trường quảng bá, mua bán tác phẩm, sự kết nối các nhóm đối tượng và sự mở rộng các ý niệm về nhiếp ảnh. Giám đốc Nghệ thuật Phòng Nhiếp ảnh Hà Nội Nguyễn Hữu Nguyên phân tích, từ lâu rất cần những “ngọn hải đăng” dẫn dắt nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tiệm cận chuyên nghiệp. Bởi lẽ, chỉ khi có nền nhiếp ảnh nghệ thuật thực sự chuyên nghiệp, nghệ sĩ mới phát huy cao nhất năng lượng sáng tạo và lan tỏa giá trị đó trong nước, thay vì “đi đường vòng” tìm kiếm các dự án nước ngoài như hiện nay.

“Nội lực nảy sinh từ chính niềm đau đáu, đam mê của nghệ sĩ, sự thay đổi nhận thức của công chúng, cùng những nỗ lực chia sẻ, kết nối, mở rộng tư duy về nhiếp ảnh… Không gian nhiếp ảnh nghệ thuật là nơi hội tụ các yếu tố đó. May thay, chúng ta đang bắt đầu gây dựng những viên gạch đầu tiên, và không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó để phần nào khỏa lấp khoảng trống của môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam”, Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Thái Minh