Kiến tạo niềm tin xã hội

- Thứ Tư, 22/09/2021, 06:06 - Chia sẻ
Kiến tạo niềm tin xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có thế mạnh nhất định và cần tập trung vào một số giải pháp tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội mang tính thường xuyên và phải được tổ chức bài bản để hỗ trợ cộng đồng ứng phó và thích nghi với dịch bệnh.
Gói giải pháp tư vấn tâm lý sẽ hỗ trợ cộng đồng ứng phó và thích nghi với dịch Covid-19
Nguồn: ITN

Cân bằng tâm lý, giảm stress

Không chỉ gây ra những hậu quả nặng nề về phương diện sức khỏe và kinh tế, đại dịch Covid-19 còn gây ra những sang chấn tâm lý đáng quan ngại do giãn cách xã hội kéo dài và thực tế dịch bệnh nghiệt ngã tại nhiều địa bàn. Các khảo sát và nghiên cứu sơ bộ ở nhiều nơi cho thấy, trong và kể cả sau đại dịch, gói giải pháp tư vấn tâm lý và công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề tâm lý xã hội, góp phần vào sự ổn định và phát triển của cộng đồng, kiến tạo niềm tin xã hội.

Thực tế, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, bên cạnh hỗ trợ vật chất, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân thông qua hoạt động trình diễn nghệ thuật, tư vấn tâm lý… cũng ngày càng được quan tâm hơn. Đặc biệt, một số hoạt động tư vấn tâm lý xã hội đã được triển khai theo các cấp độ khác nhau nhằm hỗ trợ cộng đồng thêm tri thức, vững niềm tin, thêm động lực để đi qua những tháng ngày dịch bệnh khó khăn, đồng thời chuẩn bị tâm thế cho những năm tháng sau đại dịch.

GS.TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Công đoàn nhà trường phối hợp với Công đoàn Khoa Tâm lý học đã tổ chức diễn đàn mở Cân bằng tâm lý, giảm stress trong mùa dịch nhằm hỗ trợ cho cộng đồng ổn định cuộc sống trong giai đoạn thủ đô Hà Nội triển khai giãn cách xã hội. Hoạt động này đặt tiền đề cho một chương trình tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội miễn phí của nhà trường nhằm giúp đỡ cộng đồng vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống.

“Kiến tạo niềm tin xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có thế mạnh nhất định và cần phải tập trung vào một số giải pháp tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội mang tính thường xuyên và phải được tổ chức bài bản để hỗ trợ cộng đồng ứng phó và thích nghi với dịch bệnh - vốn đã được cảnh báo là sẽ tiếp tục đồng hành với nhân loại trong một thời gian dài” - GS.TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tư vấn tâm lý và dịch vụ xã hội

Cùng với sự đột phá của khoa học trong hoạt động bào chế vaccine phòng ngừa và phát triển thuốc điều trị Covid-19, tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội để kiến tạo niềm tin nhằm ổn định cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy cơ kéo dài thêm nhiều năm.

Góp phần cùng Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện “trách nhiệm quốc gia”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, những năm tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tập trung triển khai “Chương trình tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội trực tuyến miễn phí” cho cộng đồng trong thông qua Tổng đài tư vấn tâm lý xã hội của nhà trường. Trước mắt, nhằm hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch Covid-19, chương trình tập trung vào 2 mảng trọng tâm là tư vấn tâm lý và tư vấn dịch vụ xã hội cơ bản.

Tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội cho cộng đồng sẽ được triển khai trên diện rộng, không giới hạn địa bàn không gian, đối tượng, độ tuổi, giới tính. Hoạt động tư vấn đa dạng, như chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy trẻ em, sức khỏe trẻ em; tư vấn tâm lý học đường; tư vấn cho phụ nữ và các nhóm xã hội yếu thế; tư vấn sức khỏe tinh thần, vượt qua trầm cảm cho người trưởng thành và người lớn tuổi; tư vấn tâm lý lâm sàng cho người nhiễm Covid-19 cũng như cách bệnh lý khác như ung thư, tiểu đường, tim mạch…

Tư vấn các dịch vụ xã hội cơ bản và bao trùm tập trung trước mắt vào một số trọng tâm như dịch vụ hỗ trợ về thị trường lao động chủ động (tư vấn nhằm phát triển nhân lực lao động phù hợp, từ kỹ năng làm CV, kỹ năng viết báo cáo tổng hợp, kỹ năng thuyết trình; tổ chức tư vấn - tham vấn cho người lao động, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp…); dịch vụ liên quan đến y tế (tư vấn hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh mới…); dịch vụ về giáo dục, thông tin, nhà ở đô thị, người nhập cư tự do (nước sạch, mua nhà, học tập cho trẻ em…).

Đến nay, với sự quan tâm đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có cơ sở vật chất và thiết bị chuyên dụng căn bản để phục vụ Chương trình tư vấn tâm lý xã hội miễn phí cho cộng đồng, bao gồm các phòng thực nghiệm về tâm lý, phòng thực nghiệm công tác xã hội, trung tâm tác nghiệp truyền thông đa phương tiện…

Về lâu dài, theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, đội ngũ chuyên gia hùng hậu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về các lĩnh vực như quản trị du lịch - lữ hành, quản trị khách sạn, phát triển quốc tế, truyền thông đa phương tiện, bảo tồn di sản, sáng tác nghệ thuật… sẽ tham gia các hoạt động tư vấn chuyên đề miễn phí để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Đỗ Vũ