Ngày Quốc tế lao động 1.5:

Kiến tạo việc làm bền vững trong tình hình mới

- Thứ Bảy, 01/05/2021, 07:41 - Chia sẻ
Tạo đủ việc làm cho đội ngũ lao động là trụ cột thứ nhất của an sinh xã hội. Người lao động khi đã có việc làm, có thu nhập, bảo đảm được cuộc sống của mình thì chính là Nhà nước và xã hội đã thực thi đúng đắn chức năng đầu tiên của an sinh xã hội, đó là “ngăn ngừa, phòng vệ rủi ro từ trước, từ xa”.

Kết quả rất đáng khích lệ…

Ngay từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới, Nhà nước ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm. Hiến pháp năm 1992 tại Điều 55 đã khẳng định, “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”. Đến năm 1994, Quốc hội Khóa IX đã dành nhiều thời gian, công sức để thảo luận, thông qua và ban hành Bộ luật Lao động (gồm 17 chương, 198 điều). Bộ luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007, 2012, hoàn chỉnh vào năm 2019 và lên tới 220 điều, trong đó dành hẳn một chương để quy định về việc làm. Sau Bộ luật Lao động năm 1994, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật gắn với lao động - việc làm, đó là các Luật Dạy nghề (sau này là Luật Giáo dục nghề nghiệp), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã, Luật Bảo hiểm xã hội... Đặc biệt năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Việc làm theo chế định tại Điều 35 của Hiến pháp năm 2013, “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Có thể coi đây là chính sách cơ bản, bao quát của Nhà nước về việc làm. Điều 4 Luật Việc làm đã quy định rõ các nguyên tắc về việc làm, “Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc. Bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập. Bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động”.

Tại Điều 5 Luật Việc làm cũng đã quy định rõ các chính sách cơ bản của Nhà nước về việc làm như: có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có mức lương từ tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động; có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp; có chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; có chính sách ưu đãi đối với ngành, nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc sử dụng nhiều lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số.

Với chính sách việc làm khá hoàn chỉnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và với trình độ (tay nghề) của người lao động ít nhiều đã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, thì trong những năm gần đây, số lượng việc làm (chỗ làm việc) hàng năm được tạo ra tương đối đều đặn và ngày càng phát triển. Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV thì giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm đã tạo ra 1,6 triệu chỗ làm việc; 5 năm cả nước đã giải quyết được việc làm cho gần 8 triệu lao động, trong đó 7,3 triệu lao động có việc làm trong nước và 634 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 64,5%, trong đó số lao động có bằng, cấp chứng chỉ nghề đạt 24,5%. Kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, đạt mục tiêu Quốc hội giao...

… nhưng chưa thật bền vững

Tuy đã đạt được những thành quả to lớn, nhưng việc làm của người lao động vẫn chưa thật bền vững. Trong hai nhóm điều kiện bảo đảm cho việc làm bền vững là nhóm điều kiện thuộc doanh nghiệp và Nhà nước, và nhóm điều kiện thuộc cá nhân người lao động, thì cả hai đều có những khó khăn nhất định.

Về phía doanh nghiệp và Nhà nước: theo “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020” đã được công bố thì đến ngày 31.12.2019, Việt Nam có tới 758.610 doanh nghiệp. Nhưng từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập tới, mặc dù nước ta đã chống chọi rất hiệu quả nhưng vẫn có 101.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động và phần lớn các doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng. Điều đó có nghĩa là hàng chục vạn việc làm bị biến mất. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê(*), tính đến tháng 12.2020, cả nước có đến 32,1 triệu lao động bị tác động, trong đó 39,9% số lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 14% buộc phải tạm nghỉ, tạm ngừng làm việc.

Về phía người lao động: bên cạnh các ưu điểm cơ bản thì một số nhược điểm lớn mà ngay cả khi chưa bị đại dịch Covid-19 tác động cũng đã làm cho người lao động khó khăn trong tìm kiếm việc làm, đó là kỹ năng nghề nghiệp thấp kém, không có nghề dự phòng, phần lớn người lao động chỉ biết một nghề, nhiều người chỉ là lao động phổ thông, không biết hoặc yếu kém về ngoại ngữ, ít có khả năng dịch chuyển để tìm kiếm việc làm ở nơi khác... do đó rất khó xoay chuyển việc làm  trong hoàn cảnh mới...

Tiếp tục cụ thể hóa 6 chính sách trong Luật Việc làm

Vấn đề cốt lõi của việc làm và việc làm bền vững là phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển, giữ được việc làm đã có, tạo ra nhiều việc làm mới; đào tạo, giáo dục lại nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đương đại. Công việc này đòi hỏi trách nhiệm cao của tất cả các bên, Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động.

Trong đó, trách nhiệm lớn lao thuộc về Nhà nước và doanh nghiệp. Lúc này có khá nhiều công việc phải tiến hành, nhưng trước hết phải xử lý nhanh tác hại nghiêm trọng đối với sản xuất kinh doanh của đại dịch Covd-19. Ngay từ khi đại dịch mới bùng phát, Nhà nước ta đã ứng phó rất kịp thời nhằm hạn chế tác hại của đại dịch, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động. Dù vậy, giải pháp chính sách thì khá kịp thời còn việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ lại tiến triển chậm chạp, vì nhiều điều kiện, thủ tục, phải chứng minh, lượng hóa được những thiệt hại do đại dịch... là những việc đột xuất, tức thời rất khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, đến tháng 10.2020 mới có khoảng 20% số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250.000 tỷ đồng. Vì thế, tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh ý kiến của cử tri nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan khẩn trương rà soát, nhanh chóng sửa đổi những quy định, thủ tục chưa phù hợp, chưa sát với thực tế doanh nghiệp (thậm chí thiếu tính khả thi) để thúc đẩy giải ngân. Đến nay, đó vẫn là những kiến nghị xác đáng. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực thi để sớm tháo gỡ được những vướng mắc này. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải chủ động rà soát, nắm chắc lại tình hình, cố gắng đáp ứng tối đa các điều kiện thiết yếu (không thể bỏ qua) của các chính sách. Nếu các bộ, ngành hữu quan cùng các doanh nghiệp, cả hai phía đều nỗ lực, tiến đến một giới hạn thực tế chấp nhận được thì chắc chắn tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ lần thứ nhất sẽ nhanh chóng hơn, các doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mới, giữ được lao động và phát triển được việc làm.

Theo các nhà kinh tế, nếu thực hiện xong các gói hỗ trợ lần thứ nhất thì cũng mới chỉ là “cú hích ban đầu” để doanh nghiệp và xã hội hồi phục một bước trạng thái trước khi đại dịch bùng phát. Để phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục hồi phục và phát triển nền kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm và việc làm bền vững thì cần sớm nghiên cứu, tính toán để có một gói hỗ trợ khác: có giá trị lớn hơn, thời gian thực hiện dài hơn để có tác động đủ lớn tới doanh nghiệp, tới nền sản xuất xã hội, thu hút, toàn dụng lao động. Gói hỗ trợ này cần đặc biệt tập trung cho khu vực doanh nghiệp. Đi đôi với việc nghiên cứu để hình thành gói hỗ trợ mới thì cần gia hạn để tiếp tục thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn tiếp thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất của doanh nghiệp. Có chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (hỗ trợ giá điện sản xuất cho doanh nghiệp, cho hộ kinh doanh...) giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp... Những khoản này không phải là “bao cấp” mà chính là nuôi dưỡng việc làm, nuôi dưỡng nguồn thu tài chính.

Đối với người lao động, phải được đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để có nhiều cơ hội tìm việc làm và việc làm ổn định. Giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp là một trong các trụ cột của phát triển nền kinh tế - xã hội. Đối với cá nhân người lao động thì phát triển, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp chính là yếu tố, là “cơ hội vàng” để tìm được việc làm và việc làm bền vững. Khi đã có nghề nghiệp thì việc tiếp tục nâng cao kỹ năng nghề nghiệp là nhiệm vụ thiết thực, thường xuyên của người lao động.

Kỹ năng nghề nghiệp có 2 loại, là kỹ năng “cứng” và kỹ năng “mềm”. Kỹ năng “cứng” chính là sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kinh nghiệm thể hiện thành các thao tác lao động chuẩn xác, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả. Kỹ năng mềm, đó là tinh thần, thái độ làm việc, tuân thủ kỷ luật lao động, phép ứng xử hợp lý trong lao động, trình độ và khả năng ngoại ngữ... Khi người lao động có đủ kỹ năng “cứng”, “mềm” sẽ giúp họ thích nghi linh hoạt với các xu thế chuyển dịch lao động tìm kiếm việc làm theo không gian, thời gian trên thị trường lao động. Các xu thế đó bao gồm: từ việc làm ở khu vực nông thôn, nông nghiệp sang việc làm ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; từ việc làm ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; từ việc làm ở khu vực có giá trị gia tăng (năng suất lao động) thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao hơn; từ vị trí việc làm có giá trị lao động (tiền lương, thu nhập) thấp sang vị trí việc làm có giá trị lao động cao hơn; từ vị trí việc làm có yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp (trình độ chuyên môn kỹ thuật) thấp sang vị trí việc làm có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn (đáp ứng với bước chuyển từ áp dụng công nghệ thấp, đơn giản sang áp dụng công nghệ cao, phức tạp trong sản xuất kinh doanh hiện đại); và dịch chuyển lao động từ các khu vực bên ngoài vào bên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Để phát triển việc làm và việc làm bền vững, Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa 6 chính sách trong Luật Việc làm. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động; chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động. Đó là cơ sở pháp lý cho hoạt động kiến tạo việc làm, phát triển lao động - việc làm bền vững.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội