Kiên trì và cảnh giác ở mức độ cao

- Thứ Bảy, 06/11/2021, 05:15 - Chia sẻ
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra trong trạng thái bình thường mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TP. Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn phải cảnh giác, chủ động, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Bảo đảm an toàn để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp
Nguồn: ITN

Sẵn sàng kịch bản cho tình huống xấu

Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến 1.11, Hà Nội ghi nhận 442 ca F0 Covid-19, trong đó, có 103 ca ngoài cộng đồng, 270 ca tại khu cách ly, 48 ca tại khu phong tỏa, 21 ca nhập cảnh. Người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đa số chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.

Hiện trên địa bàn có nhiều chùm lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó ổ dịch tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), xã Bạch Trữ (huyện Mê Linh) liên quan đến tụ tập đông người, phần lớn mang tính chất gia đình và đa phần ca bệnh đều đã tiêm vaccine, hầu hết không có triệu chứng. 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội phải kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.

"Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ dịch bệnh rất cao, đã có những khu vực dịch ngấm sâu trong cộng đồng như những ổ dịch phát hiện tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, gần nhất là huyện Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía khác như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ tỉnh Hà Giang" - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Được biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị Covid-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…

“Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TP. Hồ Chí Minh các tỉnh phía nam, thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại các khu cách ly, phong tỏa vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; sẵn sàng phương án điều trị, thu dung ngay tại trạm y tế” - bà Trần Thị Nhị Hà nhận định.

Thống nhất trong triển khai, tuyên truyền

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hà Nội phải cảnh giác vì thực tế dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, khi hàng ngày cả nước vẫn ghi nhận trên dưới 5.000 ca nhiễm mới.

“Thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, sẵn sàng tình huống xấu hơn. Thành phố đã lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm nhưng cần bàn bạc, tính toán kỹ. Các giải pháp tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Những nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm vẫn phải kiên trì thực hiện nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn. Bên cạnh đó, phải tập dượt phương án khác, “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị”. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine theo kế hoạch tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em trước hết ở những vùng bị dịch nặng; thành lập các đội tiêm vaccine chi viện cho các địa phương khác nếu có yêu cầu.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế xem xét kỹ kiến nghị của thành phố và nhiều địa phương khác về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, trong đó, tính đến đặc thù của những đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, có những khu vực rất đông dân cư; xem xét các phác đồ điều trị làm cơ sở để y tế địa phương chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị, thuốc men…

Đặc biệt, trong công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, phó thủ tướng nêu rõ, cần căn cứ vào thực tiễn, linh hoạt để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp, không đợi trẻ tiêm đủ vaccine hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại. Khi chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì hệ thống giám sát y tế toàn xã hội, đặc biệt trong trường học và các cơ sở y tế, phải nâng lên một mức so với trước đây; phát hiện ca nhiễm, khoanh vùng, điều trị sớm nhất có thể.

H. Yến