Kiều lên sân khấu đương đại

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:34 - Chia sẻ
Trở lại với “Truyện Kiều” không phải trở lại một tác phẩm văn chương của quá khứ mà là tạo ra cuộc đối thoại giữa khán giả hôm nay với Kiều, để những người trong xã hội hiện đại tìm thấy tính liên quan trong câu chuyện tưởng như xưa cũ và xa lạ. Đó là đường dẫn để đưa Kiều lên sân khấu đương đại.

Một sân khấu, 4 cách tiếp cận mới

Làm thế nào để đưa Kiều lên sân khấu đương đại? Đây là câu hỏi lớn, thách thức cả bốn đạo diễn của chương trình “Sân khấu nàng Kiều”, thuộc dự án Nàng K… - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa, do Viện Goethe khởi xướng, hợp tác với Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện. Cùng một đêm diễn, khán giả sẽ cùng lúc trải nghiệm bốn tác phẩm, phong cách từ truyền thống đến thử nghiệm, đa phương tiện và ước lệ… xoay quanh câu chuyện nàng Kiều. Sân khấu thử nghiệm không lựa chọn cách diễn lại “Truyện Kiều” theo nguyên bản, mà mỗi đạo diễn lựa chọn cho mình cách tiếp cận riêng.

Theo Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến - điều phối dự án, trong ba năm qua, những người thực hiện đã có nhiều cuộc bàn luận về “Truyện Kiều”, trao đổi về hình thức biểu diễn câu chuyện nàng Kiều trên sân khấu đương đại. Ở Việt Nam, “Truyện Kiều” đã tạo ấn tượng mạnh với nhiều thế hệ, sân khấu truyền thống đã dàn dựng Truyện Kiều nhưng mới chỉ dừng ở hình thức minh họa. Vấn đề đặt ra là nếu tiếp tục dàn dựng như vậy có đáp ứng nhu cầu của công chúng trong bối cảnh hiện nay hay không, khi thế giới đã biến đổi rất nhiều? Trên tầm thế giới, tầm ảnh hưởng của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện ở nhiều mặt, trong đó riêng bản “Truyện Kiều” đã được dịch ra 15 thứ tiếng, giá trị của nó không những là sản phẩm tinh thần của người Việt, mà còn là cầu nối để người nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam… Cách tiếp cận di sản văn hóa ấy, do đó không hề đơn giản.

Với những kỳ vọng xa hơn về ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm “Truyện Kiều”, bốn đạo diễn của “Sân khấu Nàng Kiều” sẽ thể hiện phong cách nghệ thuật của mình trên cùng một sân khấu. Đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer với góc nhìn từ bên ngoài, gợi mở câu chuyện nàng Kiều theo chiều tâm lý dịch chuyển từ Đông sang Tây, trên quan điểm phương Đông, phương Tây để tìm ra tiếng nói chung về sự ứng xử giữa con người với con người. NSND Hồng Vân (Sân khấu Kịch Hồng Vân) dựa trên góc nhìn của phụ nữ Việt, và phong cách sân khấu của phương Nam để kể về thân phận phụ nữ trong “Truyện Kiều”. NSƯT Trần Lực kể về Kiều thông qua phong cách dàn dựng của LUCteam, với lối cách tân pha trộn ước lệ truyền thống của sân khấu tuồng, chèo. NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ) dàn dựng trên nền sân khấu quốc tế hóa, nhấn mạnh vào yếu tố hình thể và tiếng nói...


Đạo diễn Bùi Như Lai muốn đưa lên sân khấu vấn đề định kiến và bạo lực trong “Truyện Kiều”

Đối thoại với vấn đề đương đại

Theo kế hoạch, “Sân khấu Nàng Kiều” sẽ diễn ra ngày 12 - 13.10 tại Hà Nội và ngày 19.10 tại TP Hồ Chí Minh. Bốn hình thức biểu diễn khác nhau trên nền tảng cốt lõi là “Truyện Kiều”, để cùng trả lời câu hỏi về việc con người hôm nay diễn giải tác phẩm này như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ trông ra sao? Theo Giám đốc Viện Goethe tại Việt Nam Wilfried Eckstein, lý do để Viện Goethe khởi xướng dự án xuất phát từ những câu hỏi như vậy, khi ông được tiếp xúc với kiệt tác văn học Việt Nam này. “Có thể thấy rằng, sẽ luôn có chỗ cho những suy tưởng về một câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng cách diễn dịch và góc nhìn vượt thời đại, qua đó để tìm kiếm các giá trị mới hữu dụng đối với thời đại ngày nay”.

Trước khi nhận lời mời tham gia dự án, đạo diễn Amélie Niermeyer trả lời câu hỏi về giá trị của việc làm mới một tác phẩm kinh điển, và bà cho rằng, việc quay về với những câu chuyện như “Truyện Kiều” là cách thức tìm kiếm những góc nhìn khác, mới mẻ, về chính quá khứ và tư tưởng của người Việt. Chỉ có đối thoại với quá khứ mới giúp không bị lạc lối ở tương lai. Và cách tốt nhất để các tác phẩm kinh điển có thể sống được chính là liên tục tạo ra cơ hội cho chúng ta đối thoại với các vấn đề của xã hội đương đại. “Tôi muốn biết xem diễn viên của tôi tham gia dự án này hay những người dân bình thường đọc “Truyện Kiều” cảm giác ra sao. Tôi sử dụng sân khấu tài liệu, để bàn về vấn đề thời sự trong “Truyện Kiều””.

Nhiều vấn đề trong “Truyện Kiều” soi chiếu với hiện tại còn nguyên tính thời sự. Đó là giá trị xuyên thời đại mà Nguyễn Du đã truyền tải được trong tác phẩm của mình, cũng chính là sức ép các đạo diễn phải thể hiện được thông qua nghệ thuật. Trần Lực chọn cách giữ nguyên tiết tấu thơ lục bát để đưa lên sân khấu, kèm theo chất liệu truyền thống của âm nhạc tạo nên tiết tấu cho vở diễn. Bùi Như Lai nhìn thấy rõ vấn đề định kiến và bạo lực trong “Truyện Kiều”, và anh chọn cách làm bật điều đó trong một ẩn dụ, đối sánh với hiện tại thông qua cách dàn dựng và chuyển động của diễn viên trên sân khấu…

Mượn câu nói của Giám đốc Viện Goethe: “Tất cả chúng ta và cả nàng Kiều nữa đều sống chung một cõi”, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Nguyễn Sỹ Tiến cho rằng, khai thác những câu chuyện là cách để nghệ thuật sân khấu có nhiều đóng góp hơn nữa cho đời sống. “Không chỉ dừng ở góc độ thể nghiệm mà có thể nghệ thuật sân khấu sẽ có những câu chuyện dài hơn, với những hình ảnh được quốc tế hóa hơn để Truyện Kiều đi xa hơn”.

Thái Minh